Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040

- Thứ Tư, 16/09/2020, 05:53 - Chia sẻ
Ngày 15.9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tổ chức Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, nhờ việc thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án… Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục trong chăn nuôi, với tốc độ đạt từ 4 - 6%. Đặc biệt, trong 10 năm, ngành chăn nuôi đạt được thành tựu nổi bật, hoàn thành khuôn khổ pháp lý theo hội nhập với 2 luật là Luật Chăn nuôi và Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm cho ngành vận hành theo hướng hiện đại. Đã có các ngành hàng lớn cơ cấu theo hướng hiện đại như ngành hàng sữa. Nhiều đối tượng vật nuôi đã có những tiến bộ kỹ thuật về giống. Cùng với đó, ngành có hệ thống doanh nghiệp đầu tư từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng mất cân đối. Điển hình thịt lợn còn chiếm 70% trong rổ hàng hóa thực phẩm, nên rủi ro cao và không phù hợp với nhu cầu thực phẩm đa dạng…

Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến, theo dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, Chiến lược định hướng phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đồng thời ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi.

Đồng thời, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trong giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 - 4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5 - 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6 - 6,5 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 5% thịt và trứng gia cầm. Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18 - 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 - 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 - 30% vào năm 2025, từ 40 - 50% vào năm 2030.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Dự thảo Chiến lược đưa ra các nhóm giải pháp chính để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới. Theo đó, hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi: Bao gồm chính sách đất đai; chính sách tài chính và tín dụng; chính sách thương mại...; đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật, trong đó chú trọng kiểm dịch biên giới, cửa khẩu; thiết lập hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tăng cường đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phát triển chăn nuôi phải gắn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, tránh "lệch pha" cung cầu. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi phải bảo đảm năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, nên phải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bên cạnh đó cũng coi trọng chăn nuôi truyền thống, để có những sản phẩm đặc thù của Việt Nam, gắn với du lịch.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp, coi đây là “đầu tàu”, là động lực chính để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tạo các chuỗi liên kết.

Về các giải pháp trong chiến lược, Phó Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật. Đồng thời làm rõ các giải pháp cụ thể như về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, nhân lực, nguồn vốn, tín dụng, hỗ trợ chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường...

Minh Hương