Hội ngộ thời trang và múa

- Thứ Ba, 02/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Không giống hình ảnh thường thấy về một show diễn thời trang thông thường, chương trình Paris - Hà Nội tối ngày 3.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội là cuộc hội ngộ của hai ngôn ngữ nghệ thuật: thời trang và múa đương đại.

Đêm thời trang đặc biệt do vùng IIe-de-France (vùng có thành phố Paris) và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là sự kiện đánh dấu 20 năm quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa hai thành phố thủ đô. Công chúng sẽ lần lượt được ngắm nhìn những mẫu trang phục độc đáo của 4 nhà thiết kế nổi tiếng của Pháp là Ambrym, Charabia, Christophe Josse và Dormeuil, cùng với 5 nhà tạo mẫu hàng đầu Việt Nam là DMC Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Hải Elie, Kelly Bùi, Lê Hà và Sỹ Hoàng.

Không chỉ là một buổi trình diễn thời trang đơn thuần, chương trình sẽ được dàn dựng công phu nhờ tài năng của nhà biên đạo múa Fanny de Chaillé trên nền nhạc của nhạc sỹ Christophe Chassol soạn riêng cho chương trình. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật rối bóng, buổi biểu diễn sẽ được dàn dựng dưới dạng 12 bức tranh với sự tham gia của nhiều nhóm nghệ sỹ múa và người mẫu, qua đó nghệ thuật thời trang sẽ được tôn vinh.

Trình diễn thời trang là một cách thức biểu đạt dựa vào vận động. Trên tinh thần đó, nó mang tinh thần của nghệ thuật múa. Các nhà tổ chức mong muốn khai thác hình thức biểu diễn này, làm hiển lộ những thách thức nơi trình diễn và trưng bày giao hòa với nhau, đưa ra một cách biểu đạt mới về mối liên hệ giữa trang phục và cơ thể. Về ý tưởng của chương trình, tổng đạo diễn, biên đạo múa Fanny de Chaillé cho biết: Thuật ngữ người mẫu được dùng để chỉ một người khi trình diễn, hay một khuôn mẫu để các nhà thiết kế sáng tác dựa vào đó, hay một đồ vật được trưng bày trong tủ kính. Tôi muốn làm người xem liên tưởng tới một màn rối bóng mẫu mới, biến mỗi bộ sưu tập thành một bức tranh. Các diễn viên múa và người mẫu sẽ mặc đồ đen, như những chiếc bóng chuyển động. Người ta chỉ nhìn thấy họ nhờ những bộ trang phục họ mặc trên người. Làm cho các cơ thể giống nhau bằng cách tạo thành những chiếc bóng, giúp người xem thấy được các bộ trang phục và từ đó tạo nên chủ đề của buổi trình diễn.

Để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, tháng 7.2010, Fanny de Chaillé đã sang Việt Nam, trò chuyện với các nhà thiết kế của Việt Nam, từ đó xây dựng kịch bản. Fanny de Chaillé khẳng định, đây không hoàn toàn là một vở múa đương đại mà chương trình có sự tương tác giữa người mẫu và diễn viên múa. Diễn viên múa cũng làm một loạt động tác của người mẫu. Đầu tiên có 2 người mẫu, các diễn viên múa sẽ tập cho họ một loạt tư thế tạo mẫu liên hoàn, khi người mẫu tạo một tư thế nào đó, các diễn viên múa sẽ trám vào vị trí trống...

Âm nhạc là một phần quan trọng của chương trình. Sau khi trao đổi với tổng đạo diễn, biên đạo múa Fanny de Chaillé, nhạc sỹ Christophe Chassol chọn nền nhạc chung cho cả chương trình, sau đó, theo phân cảnh của từng bộ sưu tập, anh chọn đoạn nhạc phù hợp. “Có bộ sưu tập nhấn vào chất liệu, có bộ sưu tập nhấn vào vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ (áo dài Việt Nam). Dựa vào đặc trưng riêng của từng bộ sưu tập như vậy, tôi chọn những loại nhạc khác nhau, có đoạn nhạc nhanh, đoạn nhạc chậm, đoạn nhạc thiếu nhi sôi động, cũng có đoạn nhạc lãng mạn phù hợp với không gian mơ mộng của bộ sưu tập... Chất liệu âm nhạc chủ yếu mà tôi sử dụng là nhạc cổ điển phương Tây, kết hợp với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có cả phần nhạc tôi chơi trực tiếp ngẫu hứng trên sân khấu”.

Chủ tịch Hội đồng vùng le-de-France Jean-Paul Huchon nhấn mạnh: “Đây không chỉ là dịp để thời trang đến gần hơn với công chúng mà còn là hoạt động giao lưu văn hóa ý nghĩa giữa vùng Ile-de-France và Hà Nội nói riêng cũng như mối quan hệ Việt - Pháp trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật nói chung”.

Nguyên Anh