Hội thảo góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế không có khả năng thu hồi

- Thứ Sáu, 23/08/2019, 20:00 - Chia sẻ
Ngày 23.8, tại Ninh Bình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tham dự có: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cùng Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đồng chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH tại phiên họp tháng 3.2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình UBTVQH cho ý kiến và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình QH quyết định tại Kỳ họp cuối năm nay theo trình tự thủ tục rút gọn.

Dự thảo Nghị quyết (bản mới nhất) gồm 8 điều, quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thi hành (1.7.2020).

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết đề xuất khoanh nợ và chỉ xóa tiền phạt chậm nộp, tiền nộp thuế đối với 7 nhóm đối tượng (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…). Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thế Mạnh, tổng số nợ đọng của các nhóm đối tượng này là hơn 29,2 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế là 17.397 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 11.896 tỷ đồng.


Toàn cảnh Hội thảo góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế không có khả năng thu hồi

Để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện, thất thoát ngân sách, dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ về nguyên tắc xóa nợ, thẩm quyền xóa nợ thuế, quy định về điều kiện xử lý nợ đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ. Theo dự thảo, nếu được thông qua, Nghị quyết dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020 và được thực hiện trong 3 năm.

Tất cả ý kiến tại hội thảo đều tán thành sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội để xử lý triệt để số nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách đã tồn tại qua nhiều năm, không để dây dưa kéo dài; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc tai nạn bất ngờ…  Biện pháp xử lý nợ nêu trong Nghị quyết được các đại biểu đánh giá là hợp lý, sát với Luật Quản lý thuế 2019 vừa được QH thông qua. Để tăng tính minh bạch và hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ cũng như để cử tri yên tâm, các đại biểu đề nghị thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế; bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán việc xóa nợ thuế; bổ sung quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Theo ước tính ban đầu của Bộ Tài chính, việc xóa thuế nợ theo Nghị quyết sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp cho nhà nước 13 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là khoản nợ không có khả năng thu hồi, vì vậy không thể thu cho ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh. Ông cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình UBTVQH.   

Phương Thủy