Hội thảo và thực địa báo chí điểm tư vấn, điều trị ma tuý tự nguyện tại cộng đồng

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 18:11 - Chia sẻ
Ngày 27 – 28.9, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo và thực địa báo chí điểm tư vấn, điều trị ma tuý tự nguyện tại cộng đồng cho một số cơ quan báo chí.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương Doãn Thị Thuận chia sẻ vai trò của báo chí trong xoá bỏ kỳ thị đối với người sử dụng ma tuý 

Tại hội thảo, các chuyên gia trao đổi về những đổi mới trong điều trị nghiện và hỗ trợ người sử dụng ma tuý tại Việt Nam; vai trò của Báo chí trong xoá bỏ kỳ thị đối với người sử dụng ma tuý; tư vấn và điều trị ma tuý tự nguyện tại cộng đồng. Phó Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, từ tháng 12.2015 – 10.2019, đã có 18 Điểm tư vấn được thành lập và duy trì hoạt động ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Từ thực tế của người đã có 30 năm công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tệ nạn xã hội, bà Hương cho rằng, khi người sử dụng ma tuý đến trung tâm cai nghiện đã là thành công được một phần. Bởi, họ đã bỏ được ít nhiều mặc cảm xã hội, chấp nhận sự tiết lộ danh tính. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy được hiệu quả cần có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ y tế, tư vấn viên, cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là sự đồng hành của gia đình người sử dụng ma tuý.

Chuyên gia Giảm hại và Điều trị nghiện SCDI Đỗ Thị Ninh Xuân cho rằng, không "dán nhãn, ghi danh" cho người sử dụng ma tuý  

Đồng tình với những ý kiến trên, Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương Doãn Thị Thuận cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm khi đưa tin viết bài về đề tài ma tuý (khai thác chủ đề gì, sử dụng ngôn ngữ như thế nào, thông điệp gì…) tránh được kỳ thị đối với người sử dụng ma tuý, có cái nhìn nhân văn khi tiếp cận với những đề tài liên quan đến người sử dụng  ma tuý; không sử dụng các từ ngữ củng cố sự kỳ thị; thông tin phải công bằng, tránh suy nghĩ người sử dụng ma tuý là người vi phạm pháp luật... Từ góc độ của người làm công tác giảm hại, điều trị, chuyên gia Giảm hại và Điều trị nghiện SCDI Đỗ Thị Ninh Xuân cho biết, điều trị sớm sẽ giảm thiểu tác hại, tuy nhiên việc “dán nhãn, ghi danh”, có hồ sơ quản lý cũng là một trở ngại rất lớn khi người đó hoà nhập cộng đồng.

Ngày 28.9, đoàn sẽ tham quan mô hình điều trị nghiện trong cộng đồng điểm tư vấn huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phạm Hải