Hội thảo về mô hình tổ chức, hoạt động các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Tư, 15/07/2020, 19:17 - Chia sẻ
Sáng 15.7, Hội thảo "Một số vấn đề về mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm Đề tài "Tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" tổ chức.

Phó giám đốc TT Bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Hải Long phát biểu

Theo quy định hiện nay, có 3 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp. Các cơ quan này có vai trò tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 3 cơ quan này trong suốt thời gian qua đều không có vướng mắc nào. 3 cơ quan đã làm tốt công tác tham mưu giúp việc, phân định được hoạt động nào của Ban, Viện, hoạt động nào phải xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trong quá trình hoạt động, thực thi các nhiệm vụ được giao, 3 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội. Đơn cử như, Ban Công tác đại biểu có mối quan hệ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về công tác nhân sự của các cơ quan này; có mối quan hệ với Ủy ban Pháp luật trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân... Ban Dân nguyện có mối quan hệ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Viện nghiên cứu lập pháp có mối quan hệ với Văn phòng Quốc hội trong cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, với các cơ quan trong viện tổ chức nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, một số nhiệm vụ có liên quan đến các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thì hiện nay vẫn chưa rõ mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan này như thế nào. Ví dụ, liên quan tới tổ chức cơ quan tư pháp do Ủy ban Tư pháp thẩm tra, nhưng trong đó lại bao hàm cả nội dung về biên chế của các cơ quan này. Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu được phân công trong Ban Chỉ đạo của Trung ương về biên chế giúp theo dõi biên chế của khối các cơ quan thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó, có cơ quan tư pháp). Khi thẩm tra, Ủy ban Tư pháp có mời đại diện Ban Công tác đại biểu tham gia nhưng vai trò của Ban Công tác đại biểu trong vấn đề này như thế nào lại chưa được quy định rõ. Tương tự, trong công tác nhân sự cũng cần có sự tham mưu, phối hợp của Ban Công tác đại biểu để tránh trùng lặp, vai trò của Ban Công tác đại biểu rất rõ nhưng chưa được thể hiện trong văn bản dẫn tới có nhiệm kỳ Ban Công tác đại biểu tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng lại có nhiệm kỳ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại hội thảo, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về mối quan hệ công tác trong nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của 3 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính pháp lý về mối quan hệ công tác của 3 cơ quan. Trường hợp giữ nguyên vị trí 3 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay thì cần ban hành mới nhiệm vụ, quyền hạn của 3 cơ quan, trong đó bổ sung quy định về mối quan hệ công tác. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Do đó, có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể hiện rõ ràng hơn công việc của 3 cơ quan trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ.

Hồ Long