CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN:

Hội tụ tinh thần Việt Nam, khát vọng Việt Nam

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:28 - Chia sẻ
Năm 2018 khép lại bằng những kết quả tích cực và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong một thập kỷ vừa qua, bằng niềm tin được vun đắp qua từng hành động quyết liệt của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ trong việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, trong bộ máy hành chính, bằng “không gian” hội nhập quốc tế đang mở rộng… Nhìn lại những thành tựu của năm cũ, trước thềm Xuân mới, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN cũng cho rằng, tinh thần Việt Nam, khát vọng Việt Nam vẫn luôn tiềm ẩn trong trái tim mỗi người dân Việt dù ở trong hay ngoài biên giới quốc gia. Khơi dậy và hội tụ được tinh thần ấy, khát vọng ấy thì sức sống Việt Nam sẽ vững bền, không gì lay chuyển được.

Kỷ cương nghiêm minh vun đắp và củng cố niềm tin

PV: Tròn 1 năm trước, trên số Xuân Mậu Tuất của Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội từng nhắn nhủ, trong năm 2018, phải bình tĩnh trước những thách thức, kiên định với các mục tiêu đã đề ra và sáng tạo trong điều hành cụ thể để đạt được kết quả vững chắc. Và quả thực, chúng ta đã làm được, thậm chí, đã có sự bứt phá ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Chúng ta đã có những kết quả rất ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, vượt mức đề ra trong Kế hoạch và cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Xuất siêu đạt gần 7 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần mức 2,9 tỷ USD một năm trước đó. An sinh xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững; hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới; hoạt động đối ngoại mang lại nhiều kết quả tích cực, vị thế của nước ta không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới.


Ảnh: Quang Khánh

Tôi còn nhớ, khi đưa ra kế hoạch về tốc độ tăng trưởng cho năm 2018 với chỉ tiêu GDP từ 6,6-6,8%, đã có ý kiến e ngại rằng, đó là mục tiêu để phấn đấu thôi. Nhưng những kết quả của năm 2018 đã cho thấy, không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tất nhiên có những việc vẫn cần phải tiếp tục xử lý, nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế - xã hội năm 2018 thì điểm sáng vẫn là nổi bật và tương đối toàn diện. Trong đó, kết quả quan trọng nhất là chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong một bối cảnh mà tình hình khu vực và thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tranh chấp chủ quyền, chủ nghĩa bạo lực cực đoan, biến đổi khí hậu… đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia.

PV: Có nhiều yếu tố làm nên thành công của năm 2018, trong đó phải kể đến niềm tin của nhân dân vào những chủ trương, những chính sách, pháp luật và những hành động cụ thể, quyết liệt, hợp lòng dân, giữ nghiêm kỷ cương đất nước, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm pháp luật mà Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã kiên trì thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thưa Chủ tịch Quốc hội, trong hoạt động của Quốc hội năm qua, hoạt động giám sát - một trong 3 chức năng cơ bản của Quốc hội đóng vai trò như thế nào trong việc tăng cường kỷ cương, giữ nghiêm kỷ luật?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Có thể thấy, “kỷ cương, kỷ luật” vừa là mục tiêu hướng tới, cũng vừa là nhân tố tạo nên sức mạnh cho cả hệ thống chính trị, cho bộ máy nhà nước, qua đó bảo đảm cho lợi ích của người dân được phát huy trên thực tế. Đối với hoạt động giám sát, lâu nay Quốc hội đã có sự chú trọng, đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, được nhân dân, cử tri đánh giá cao. Giám sát không những chỉ ra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân mà còn là cơ sở để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm cho quy định của pháp luật được đi vào cuộc sống.

Năm 2018, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Đây không chỉ là chuyên đề giám sát tối cao duy nhất của Quốc hội trong năm 2018, mà còn là chủ đề được dư luận cử tri quan tâm, bởi thực tế đã có không ít dự án, công trình làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của đất nước. Qua giám sát, Quốc hội đã chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, những bất cập về cơ chế, chính sách, những vi phạm khiến cho việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước chưa thực sự hiệu quả, những yếu tố cản trở khiến việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kết quả như mong đợi… Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ Tư. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ có liên quan về những việc chưa làm được, những lời hứa còn dở dang hay chưa có chuyển biến trên thực tế. Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu xác lập kỷ lục về số lượng ĐBQH chất vấn, tranh luận và số lượng thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời chất vấn, tham gia giải trình để làm rõ trách nhiệm của ngành, gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, những mối quan tâm, bức xúc của người dân. Hoạt động chất vấn không mang tính phê bình hay đổ lỗi cho nhau, mà đi vào bản chất của vấn đề, tranh luận để làm rõ và cùng nhau tìm hướng giải quyết.

Cũng trong Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm, các ĐBQH thay mặt cử tri và nhân dân thực hiện thẩm quyền giám sát toàn diện nhất, trực tiếp nhất đối với bộ máy nhà nước thông qua việc đánh giá mức độ tín nhiệm của các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu cơ bản phản ánh khách quan, sát thực với tình hình. Các ĐBQH bỏ phiếu đánh giá với sự công tâm, bản lĩnh và trách nhiệm, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân để ghi nhận, cổ vũ và cảnh báo đối với mỗi cá nhân được lấy phiếu trong việc thực hiện chức trách của mình. Quốc hội mong muốn những cá nhân được lấy phiếu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong công tác lãnh đạo, điều hành, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và cử tri.

Thông qua hoạt động giám sát của mình, Quốc hội giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu trong việc thực thi pháp luật, từ đó giúp tăng cường kỷ cương, giữ nghiêm kỷ luật bảo đảm cho pháp luật được đi vào cuộc sống.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cháu học sinh trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, Thái Bình 
Ảnh: Phạm Thúy

Yếu tố cạnh tranh bền vững nhất chính là môi trường hòa bình, ổn định

PV: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được các quốc gia phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Là thành viên của Hiệp định này, cùng với đó là rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được đàm phán, ký kết, có thể nói rằng, chưa bao giờ “không gian” hội nhập quốc tế của nước ta lại rộng mở như hiện nay. Điều này đặt ra những thách thức như thế nào với cơ quan lập pháp, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Là cơ hội và thách thức đan xen thì đúng hơn. Có thể thấy, CPTPP cùng với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại mà ta đã ký, Việt Nam tích cực chủ động hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Trong thời gian tới, nước ta cũng sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết, tham gia hoặc chuẩn bị tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để hội nhập với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với trước đây.

Do vậy, mặc dù chúng ta chủ động, nhưng cũng đồng thời vừa chịu áp lực và cũng có thêm động lực để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng cởi mở và hiệu quả hơn. Quốc hội sẽ nỗ lực hơn để tiếp tục xem xét việc hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn, hướng đến các chuẩn mực của các nước thành viên của các hiệp định nhằm tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế tham gia và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế FDI là những động lực phát triển hết sức quan trọng…

PV: Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo các nước và các cuộc tiếp, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra rất nhiều cam kết về hoàn thiện thể chế. Có thể thấy những cam kết ấy đã thuyết phục và tạo dựng được niềm tin của các nhà lãnh đạo, các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đó không phải là cam kết của cá nhân tôi mà là cam kết của cả hệ thống chính trị trên cơ sở vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Quốc hội, Chính phủ phải cùng nhau thực hiện cam kết đó, vì yếu tố cạnh tranh bền vững nhất chính là môi trường hòa bình, ổn định về chính trị, về xã hội, về thể chế pháp lý. 

PV: Thưa Chủ tịch Quốc hội, vậy trong thời gian tới lĩnh vực nào được Quốc hội ưu tiên xem xét xây dựng các dự án luật để tạo yếu tố lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, trong đó sẽ xem xét Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát huy tối đa nguồn lực cả về vật chất, trí tuệ, công nghệ, sự sáng tạo của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với những cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết, gia nhập, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

PV: Vừa qua, chúng ta đã hội nhập rất tích cực, nhưng sức ép cạnh tranh đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước thấy chùn bước. Những thách thức này phải được đánh giá cụ thể, nhưng trong đó có yếu tố liên quan đến việc hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn không, thưa Chủ tịch Quốc hội?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân: Muốn phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải phát huy cả nội lực và thu hút ngoại lực. Ở trong nước,  tôi thấy giải pháp cốt lõi vẫn phải là siết chặt kỷ luật, kỷ cương quốc gia.

Về phía Quốc hội, những năm qua, chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên được xem xét điều chỉnh, bổ sung để đưa vào các dự án luật nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta cũng thấy, nhiều luật rất tiến bộ nhưng đến khi thực thi lại vướng. Kiểm điểm lại thì đúng là cũng có những luật chúng ta chưa dự tính được hết những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống. Nhưng qua theo dõi, giám sát, thì yếu tố chủ yếu là do việc triển khai thực hiện thi hành luật chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn có những cán bộ, những cơ quan quản lý không muốn đổi mới, không chịu đổi mới, tư duy và quản lý vẫn theo cách cũ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều đó đã dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư, muốn phát triển, nhưng do gặp phải khó khăn do cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước khiến họ chùn bước. Như vậy, chúng ta cần phải tiếp tục siết chặt kỷ cương, đặc biệt là kỷ cương hành chính, công vụ; kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng “vặt” của một bộ phận cán bộ, công chức… Khi chúng ta đã bảo đảm được sự bình đẳng thực sự cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên thực tế chứ không phải chỉ ở các đạo luật nữa thì chắc chắn sẽ khơi thông và giải phóng được nguồn lực trong xã hội để sức dân, trí tuệ của nhân dân đồng hành với Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước.

Kỷ cương trong hoạt động lập pháp vẫn phải tiếp tục chấn chỉnh. Quốc hội trên tinh thần ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến lập pháp để các đạo luật được ban hành phải bảo đảm tiến độ, trình tự, thủ tục theo quy định, phải thực sự khả thi, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ, không tạo ra những mâu thuẫn, xung đột trong hệ thống pháp luật.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!

Phạm Thúy thực hiện