Hồn xưa canh cửi

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:22 - Chia sẻ
Khi những nụ đào bắt đầu bung nở, ấy cũng là lúc các cụ cao niên làng nghề La Khê lật giở những tấm the dệt cuối vụ đông trước, dâng thành tấm áo mới, kịp cho mùa lễ hội làng. Một cảm xúc lâng lâng khó tả, có bồn chồn, có háo hức và cả những lo toan, ước vọng cho năm mới…

Lận đận “Tứ quý danh hương”

The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn

Phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, trước đây là một trong bảy làng La thuộc tổng La, hình thành từ thế kỷ thứ V, ban đầu có tên La Ninh (“La” là lụa, “Ninh” là sự thịnh vượng, lâu bền). Truyền thuyết kể rằng, La Ninh là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn thịnh đạt. Sang thế kỷ XV, cái tên La Ninh đổi thành La Khê, theo nghĩa là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ, nức tiếng vùng kinh thành Thăng Long xưa. Với các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm, vóc bền đẹp và tinh xảo, La Khê được mệnh danh là “Tứ quý danh hương”, dân gian vẫn lưu truyền trong câu ca: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”…


The được sản xuất từ sợi tơ tằm với chất lượng đặc biệt, lại dệt thủ công, nên giá thành tương đối cao 
Ảnh: Thành Công

Một ngày cuối tháng Chạp, mưa lất phất trên những con ngõ nhỏ, vương vít các quầy tạp hóa, hàng hoa ven đường làng. Giếng cổ đền Bia Bà khi xưa từng chứng kiến một thời vàng son của Hợp tác xã (HTX) the lụa La Khê, nay vẫn thâm trầm lắng nghe chuyện đời, chuyện nghề. Trong không gian phảng phất mùi nhang trầm, nghệ nhân Lê Đăng Toản hồi tưởng về một thời đã xa. Khi ông còn nhỏ, nhỏ lắm, đã nghe nhiều chuyện về làng La rợp sắc màu the lụa, dọc đường làng lách cách tiếng thoi đưa, tiếng guồng tơ, suốt chỉ. Nhớ nhất là mùi ngai ngái của sa, lụa hòa cùng cỏ cây tan vào trong gió. Rồi chuyện nghề canh cửi lận đận của các bậc tiền bối như vận vào khiến ông thấy mình còn nặng nợ với vùng đất và con người nơi đây.

Nghề đã chọn người. Ông Toản bắt đầu làm the năm 2003, khi Nhà nước có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống. Ban Chủ nhiệm HTX the lụa La Khê và những nghệ nhân cao tuổi trong làng bắt tay dựng lại khung cửi, cải tiến công nghệ, quyết tâm phục hồi nghề Tổ, tìm lại sức sống cho nghề the lụa đã mai một qua mấy thập kỷ. Nhiều nghệ nhân mày mò từ công nghệ cũ kết hợp với chất liệu và công nghệ hiện đại dệt lại các mẫu the, sa, vân, gấm cổ, mong gìn giữ tinh hoa của các bậc tiền nhân.

Âm thầm bám trụ

“Gắn bó và chứng kiến thăng trầm của nghề dệt the, tôi thấy con đường mình chọn chưa bao giờ sai. Chính the đã giúp tôi quên đi những bon chen để thảnh thơi sống vui vẻ và có ích. Trong thời khắc Xuân mới, tôi ước mình có thêm sức khỏe và nghị lực để tiếp tục công việc còn dang dở. Với một nghề luôn đòi hỏi thời gian, cần cù canh cửi, tôi mong muốn thêm nhiều người cùng giữ the, trân trọng giá trị truyền thống, tinh hoa nghề của cha ông”.

Nghệ nhân Lê Đăng Toản

Nghệ nhân Lê Đăng Toản kể, thời điểm HTX the lụa La Khê hoạt động, Xuân về cả làng nhộn nhịp và phấn khởi lắm. Những tấm the tươi màu rất được các bà các cô ưa chuộng sắm sanh. Nhà nhà vui đón Tết, họ sắp xếp, lau chùi khung cửi, gom lại những lóng tơ, suốt chỉ. Các cụ cao niên lật giở những tấm the dệt cuối vụ đông trước, dâng thành tấm áo mới; có người tìm lại nếp áo mùa trước, xốn xang là lượt, hong nơi hiên nhà. Người La Khê hiểu được giá trị của the, vải mềm và không phai màu, sợi thoáng mỏng nên mát vào mùa hè, ổn định thân nhiệt vào mùa đông, mới có câu “đông the, hè đụp” là ở nghĩa ấy.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm gắng gượng và phát triển thị trường, HTX the lụa La Khê không thể đứng vững do khó cạnh tranh với các sản phẩm sợi tổng hợp, may công nghiệp. Các sản phẩm được làm từ the do sản xuất từ sợi tơ tằm với chất lượng đặc biệt, lại dệt thủ công, nên giá thành tương đối cao, vì vậy người làm the hầu như chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. May thay, vẫn còn nghệ nhân Lê Đăng Toản quyết tâm giữ nghề. Với một xưởng dệt chưa đến 100m2 chỉ có 5 khung cửi hoạt động, cùng hai người thợ đều là người thân trong gia đình, ông Toản tự hứa với lòng mình, bằng mọi giá bám trụ với nghề, khôi phục nghề dệt the La Khê. Hiện tại, đây là cơ sở duy nhất của làng the lụa La Khê.


Nghệ nhân Lê Đăng Toản giới thiệu mẫu hoa văn dệt the Ảnh: Hương Sen

Hiện tại, ông Toản vẫn hàng ngày cần mẫn bên khung dệt để cho ra đời những sản phẩm thủ công cao cấp La Khê. Gần 20 mẫu hoa văn truyền thống vẫn được ông lưu giữ, nào là sa hoa ngũ phúc chầu thọ, hoa kim vân mắt võng, vân hoa giây, vân hồng điệp, the hoa bầu rượu quấn thư, the lầu là, the trơn, hoa, xuyến... Theo ông Toản, so với sồi, đũi, hàng the, sa mỏng và nhẹ hơn nhưng bền, đẹp, được dùng để may trang phục cho vua chúa xưa, đến nay vẫn được nhiều người ưa chuộng. “The hợp với độ trầm của thời gian; thường các mẫu tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phụng kết hợp trên nền trầm the sẽ tôn thêm nét tinh tế của sản phẩm”. 

Mong ước Xuân mới

Nghề dệt the đòi hỏi nhiều công phu, ngoài yêu thích phải kiên trì và quyết tâm. Sau mỗi dịp Tết, lúc mùa lễ hội qua đi, nghệ nhân the đã bắt đầu làm mẫu mới thay thế những mẫu không còn thịnh hành. Vẽ mẫu hoa văn được coi là một trong những công đoạn khó nhất của nghề, bởi không chỉ như một bức tranh, người lên mẫu phải tính toán sao cho cân đối, lúc dệt nên tấm the không bị xô, dạt. Bởi vậy, tuy khó cạnh tranh với các mặt hàng rẻ tiền, nhưng dường như mặt hàng này không có đối thủ nếu xét về độ tinh xảo, và nghệ nhân Lê Đăng Toản hiện vẫn bán ra thị trường các mặt hàng the, vân, sa không miền nào có được.

Tuy nhiên, nghệ nhân Lê Đăng Toản cũng không khỏi lo lắng về tương lai của nghề mà mình đang cố gắng gìn giữ, nhất là khi cụ Nguyễn Công Toàn - người thiết kế mẫu chính cho HTX the lụa La Khê giờ không còn minh mẫn nữa. Bà Lê Thị Kim Thư (chủ một cửa hàng lụa ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cho biết thêm, cái khó là hiện nay rất ít người mặn mà với the. “Để không phụ những tâm huyết của nghệ nhân Lê Đăng Toản, chúng tôi đã bao thầu toàn bộ sản phẩm của ông. Tôi trân trọng những công việc ông làm, từ lựa chọn sử dụng nguyên liệu tơ tốt nhất từ Bảo Lộc, hướng dẫn tỉ mỉ người làm, xử lý khéo léo khâu chuội, nhuộm để có được những sản phẩm the độc đáo và sắc nét”.

Còn ông Toản vẫn lạc quan: “Với những người yêu và hiểu biết về nghề, chúng tôi tin và mong muốn the La Khê sẽ là cái tên tiêu biểu mỗi khi nhắc đến lụa Hà Đông”.  

Hương Sen