Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Pháp

- Thứ Tư, 08/07/2020, 19:02 - Chia sẻ
Ngày 8.7, tại trụ sở Bộ Công thương và trụ sở Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp đã diễn ra Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với chủ đề “Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp?”

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1.8, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam với lộ trình tối đa là 20 năm và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU với lộ trình tối đa là 7 năm. Việc xóa bó thuế quan sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm 2 bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, đồ uống có cồn, mặt hàng thực phẩm từ EU và Pháp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo… Đồng thời, cho biết Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư trong tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may, da giày, ô tô…, công nghiệp chế biến thực phẩm...

Về phía các doanh nghiệp Pháp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, thách thức cũng sẽ song hành, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.

Thành Nam