Đàm phán thương mại Mỹ - Nhật Bản

Hướng đến thỏa thuận “cùng thắng”

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:53 - Chia sẻ
Tokyo và Washington đã nhất trí sớm hoàn tất đàm phán thương mại sau cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, dự kiến vào cuối tháng 7. Điều này cho thấy quyết tâm của Mỹ và Nhật Bản trong đạt thỏa thuận thương mại song phương một cách nhanh chóng.

Khung thời gian cụ thể

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đưa ra tại họp báo sau khi kết thúc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ở Washington, Mỹ cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên giới chức Nhật Bản đề ra khung thời gian cụ thể cho việc đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ngỏ ý muốn hai bên có thể công bố kết quả đàm phán thương mại vào tháng 8 tới, ngay sau khi cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản kết thúc. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William Hagerty cho biết, Tổng thống Trump đang nản lòng trước thực tế Mỹ và Nhật Bản tiến triển chậm trong đàm phán thương mại song phương. Ông Hagerty nhấn mạnh, Mỹ là một trong những thị trường cởi mở nhất thế giới, trong khi Nhật Bản chưa cởi mở bằng mà còn liên tục được hưởng lợi từ thặng dư thương mại với Mỹ.

Dự kiến, cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra từ ngày 28 - 29.6 tới tại Osaka, Nhật Bản, nhằm thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có thương mại.

Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Motegi cho biết, Nhật Bản và Mỹ nên tiến hành thương lượng ở cấp bộ trưởng về một số mặt hàng nông sản chủ chốt như thịt bò, thịt lợn, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, gạo, đường...  và một số mặt hàng công nghiệp như ô tô, phụ tùng ô tô, do hai bên hiểu rõ lập trường của nhau. Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục mở nhiều cuộc họp cấp chuyên viên, nhằm tìm kiếm đồng thuận trong một số lĩnh vực khác.

Được biết, Tokyo sẵn sàng giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản của Mỹ xuống mức tương đương thuế suất ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đổi lại, Mỹ phải chấp nhận giảm thuế áp lên hàng hóa công nghiệp của Nhật Bản, trong đó có ô tô và phụ tùng.

Theo đề xuất hiện tại, Nhật Bản có thể giảm ngay thuế nhập khẩu áp lên thịt bò Mỹ từ 38,5% xuống còn 25,8%, nếu thỏa thuận thương mại song phương có hiệu lực từ tháng 4.2020. Theo CPTPP, Tokyo sẽ giảm thuế đối với thịt bò nhập khẩu từ các nước tham gia ký kết hiệp định này theo giai đoạn, từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm. Với lộ trình này, thuế áp lên thịt bò nhập khẩu vào Nhật Bản giảm xuống 26,6% trong tháng 4 năm nay và tiếp tục giảm còn 25,8% trong tháng 4.2020. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện vẫn khá thờ ơ với đề xuất dỡ bỏ thuế quan đối với các mặt hàng liên quan đến ô tô của Nhật Bản.

Vì sao Nhật - Mỹ đàm phán thương mại?

Mặc dù được đánh giá là có quan hệ song phương bền chặt nhất thế giới, nhưng không giống các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật Bản chưa từng ký kết hiệp định thương mại song phương trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, bất kể Điều II của Hiệp ước an ninh Nhật Bản – Mỹ nêu rõ, hai bên cam kết loại bỏ mâu thuẫn trong các chính sách kinh tế quốc tế và khuyến khích hợp tác kinh tế.
Thành tựu thương mại chung đáng kể nhất giữa hai đồng minh thân thiết là khi Nhật Bản và Mỹ, dưới thời chính quyền tiền nhiệm Obama, cùng tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, sau khi ông Trump lên tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền Washington với chính sách “nước Mỹ trên hết” đã đơn phương rút khỏi TPP và chủ trương theo đuổi các hiệp định thương mại song phương công bằng hơn cho Mỹ.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, có hai lý do khiến Nhật Bản chấp nhận đàm phán thương mại với Mỹ tại thời điểm này. Thứ nhất, trong bối cảnh Mỹ ngày càng “hướng nội”, Nhật Bản ưu tiên đẩy nhanh ký kết các thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn như CPTPP hay Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) với Liên minh châu Âu. Đàm phán thương mại song phương Nhật Bản - Mỹ chỉ được khởi động sau khi quá trình đàm phán, ký kết các thỏa thuận lớn được hoàn tất. Cụ thể, tháng 3.2018, 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP đã ký kết CPTPP; tháng 7.2018, Nhật Bản và EU ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (JEEPA).

Tháng 9.2018, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Mỹ, lãnh đạo hai nước ra tuyên bố chung gồm 7 điểm, trong đó nêu rõ, Nhật Bản và Mỹ nhất trí bước vào các cuộc đàm phán tiến tới ký kết hiệp định thương mại về hàng hóa (TAG), thay vì một thỏa thuận tự do thương mại đầy đủ. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan thương mại, đầu tư quan trọng khác, trong đó có dịch vụ.

Thứ hai, Nhật Bản muốn tránh nguy cơ Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên các mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô, như Tổng thống Donald Trump cảnh báo. Trước đó Tổng thống Donald Trump đã bổ sung Khoản 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, nhằm đánh thuế lên các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ các nước đồng minh vì lý do an ninh quốc gia. Lần này, rất có thể ông Trump sẽ viện dẫn lý do thâm hụt thương mại với Nhật Bản để tăng thuế nhập khẩu lên ô tô. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không chỉ là nước xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ, mà còn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn cho xứ cờ hoa. Năm 2017, thương mại hai chiều đạt 204,2 tỷ USD, trong đó, riêng ô tô Nhật Bản xuất sang Mỹ chiếm 50 tỷ USD, tương đương 75% thâm hụt của Mỹ với Nhật Bản.

Về phần mình, chính quyền Donald Trump muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản trước mùa thu, nhằm giải quyết quan ngại của Mỹ về tình trạng hâm hụt thương mại của nước này, lên tới 67,6 tỷ USD giá trị hàng hóa năm 2018; cũng như giảm bớt thiệt thòi cho nông sản Mỹ trong khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản, vốn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các ưu đãi thuế quan của các thỏa thuận thương mại quy mô lớn mà Tokyo ký kết. Đây sẽ là cú “ghi điểm” của Tổng thống Donald Trump với cử tri nông dân Mỹ, trước thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 khởi tranh.

Trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận và TAG có hiệu lực trước tháng 2.2020, hiệp định sẽ cần được Quốc hội Nhật Bản thông qua trong kỳ họp mùa thu tới. Trong bối cảnh đó, cả Tokyo và Washington đều đang gấp rút hoàn tất đàm phán hướng tới ký kết thỏa thuận “cùng thắng” trong mùa hè này.

Ngọc Khánh