Hương Sơn vững bước trên hành trình phát triển

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 16:06 - Chia sẻ
5 năm qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, với tinh thần đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt khó, toàn hệ thống chính trị Hương Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đây là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tự tin, vững bước trên hành trình phát triển thời gian tới…

Những con số biết nói

Từ đầu nhiệm kỳ, Hương Sơn gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thể chế cho Cửa khẩu Cầu Treo thay đổi, hạn hán dẫn đến cháy rừng liên tiếp, dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh toàn cầu Covid-19… Tất cả để lại hậu quả nặng nề trong sản xuất, kinh doanh và làm xáo trộn đời sống nhân dân. Cộng với điểm xuất phát thấp khiến đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển…

Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Hương Sơn về phát triển kinh tế xã hội
Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Hương Sơn về phát triển kinh tế xã hội

Thế nhưng, vượt lên tất cả, với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, huyện đã tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế phát triển theo mục tiêu đề ra. Nổi bật tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 12,38% (tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 11.666 tỷ đồng). Chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, mức tăng bình quân hàng năm 6,57%, tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ; giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác đạt 88 triệu đồng/ha; sản lượng lương thực cuối kỳ đạt 49.609 tấn. Với lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, chính quyền huyện đã định hướng các địa phương tăng nhanh diện tích cây ăn quả, đạt 4.173 ha, (trong đó có 500 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP) sản lượng 16 nghìn tấn. Chè công nghiệp 680 ha, trong đó có 325 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (RA), được liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân đem lại hiệu quả, thu nhập cao.

Từ đó, mô hình vườn-ao-chuồng có điều kiện để phát huy, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi hươu phát triển với tổng đàn 36.500 con với nhiều mô hình có quy mô lớn, sản lượng nhung ước đạt 14,5 tấn, tăng 22,88% so với năm 2015. Tỷ trọng chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 51,06%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 486 ha, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng 830 tấn, tăng 43,1% so với năm 2015. Riêng với lợi thế lâm sản, Hương Sơn chú trọng phát triển rừng theo hướng bền vững, đã trồng mới 1.665 ha rừng gỗ lớn trên đất rừng sản xuất; trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên 4.950 ha, nâng độ che phủ rừng đạt 71,5%. Đồng thời hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung; sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt trên 70.000 m3.

Thương mại, dịch vụ tăng bình quân hằng năm 12,5%; năm 2020 ước đạt 5.222 tỷ đồn. Giá trị lưu chuyển hàng hóa 3.950 tỷ đồng; hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo năm 2019 đạt 196 triệu USD.

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để Hương Sơn thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ ước đạt 6.213 tỷ đồng (riêng vốn đầu tư phát triển hạ tầng công cộng đạt 3.084 tỷ đồng, trong đó nguồn ngoài ngân sách 1.176 tỷ đồng). Thu hút đầu tư chuyển biến tích cực, có 28 dự án được chấp thuận đầu tư 1.990 tỷ đồng, lĩnh vực chủ yếu  xây dựng cơ sở thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh, khu đô thị.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. 05 năm liền, Hương Sơn luôn được UBND tỉnh đánh giá nằm trong tốp đầu toàn tỉnh. Mạng lưới, cơ sở hạ tầng y tế tiếp tục được đầu tư, củng cố và hoàn thiện. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn được công nhận bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E Hà Nội. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai rộng khắp đến tận thôn, tổ dân phố.

Nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân luôn được quan tâm thực hiện để xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng bộ vững mạnh, bản lĩnh

Có được những kết quả trên, điểm mấu chốt là từ chủ trương và sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Huyện ủy Hương Sơn và toàn hệ thống chính trị kịp thời cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả. Coi trọng việc nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm, liên quan mật thiết đến sinh kế, sinh hoạt của người dân. Thực hiện tốt việc phân công và kiểm điểm trách nhiệm của từng thành viên trước tập thể Đảng bộ huyện bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Trọng tâm tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên.  Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, nhất là các công trình, dự án lớn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống dịch covid -19, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống quê hương, đất nước, lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng, 550 năm thành lập huyện, 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, kể chuyện gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Qua đó cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy. Công tác phát triển Đảng được chăm lo, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được hàng trăm Đảng viên mới...

Hệ thống chính trị Hương Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới
Hệ thống chính trị Hương Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới

Về công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Sáp nhập, giải thể, chuyển giao các tổ chức Đảng đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chủ trương của cấp trên, theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra, đảm bảo tính ổn định và phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong đảng bộ và Nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp bị tác động trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Mục tiêu huyện nông thôn mới

Trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ tới Hương Sơn xác định kinh tế nông thôn phải có bước đột phá mới. Dự kiến chậm nhất năm 2021, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025, có tối thiểu 180 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 1.500 vườn mẫu. Đến năm 2025, có tối thiểu 80 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, trong đó tối thiểu 20% sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao trở lên, tối thiểu 10% sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao.

Xây dựng đô thị văn minh được phát động và chú trọng thực hiện, nhất là việc tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh và chỉnh trang đô thị. Thị trấn Phố Châu đạt chuẩn đô thị văn minh, đang từng bước xây dựng lên đô thị loại IV theo chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt.

Huyện cũng xác định phát triển kinh tế trong thời gian này phải gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh biên giới; thường xuyên nắm chắc tình hình, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Huyện nhận thức thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường, các loại dịch bệnh, nhất là hậu quả do đại dịch Covid-19 toàn cầu sẽ còn ảnh hưởng nhất định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tiếp tục khó khăn do đã hết cơ chế ưu đãi phi thuế quan. Các điều kiện nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển từ trung ương và tỉnh hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, thiếu và chưa đồng bộ.

Tuy nhiên, những kết quả đã được trong nhiệm kỳ 2015-2020 là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền huyện Hương Sơn tiếp tục đề ra các chỉ tiêu tích cực cho nhiệm kỳ 2020-2025, như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm 13%; thu ngân sách trên địa bàn trên 300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 8500 tỷ đồng...

Trước yêu cầu phát triển mới, tin tưởng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Hương Sơn sẽ nỗ lực hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Lê Tùng