Khuyến công Thanh Hóa

Hướng tới đầu tư có chọn lọc

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:41 - Chia sẻ
Giai đoạn 2014 - 2020, công tác khuyến công đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn. Trong giai đoạn mới, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh cho biết sẽ xây dựng kế hoạch khuyến công với tinh thần “đầu tư có chọn lọc”, tránh ôm đồm, chồng chéo.

Song hành cùng công nghiệp nông thôn

Dưới sự chỉ đạo của Sở Công thương, Trung tâm khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Trung tâm) đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án khuyến công.

Khuyến công Thanh Hóa sẽ đầu tư có chọn lọc cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Giai đoạn 2014 - 2020 nguồn vốn khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 8 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Riêng năm 2019, Trung tâm khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh hỗ trợ 18 dự án với tổng kinh phí 6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với Công ty CP GKN Thanh Tâm (huyện Mường Lát) thực hiện Ðề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung”, ngoài ra cũng phối hợp với nhiều công ty khác phát triển đề án này. Đại diện công ty cho biết, việc mở nhà máy nằm trong Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc với tổng kinh phí 871 triệu đồng và được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho hạng mục đầu tư máy ép gạch tự động mã hiệu TB 8.5. Hiện, dây chuyền sản xuất đã hoạt động ổn định giúp doanh nghiệp tăng năng suất và giảm cường độ lao động, tiết kiệm tối đa điện năng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và người lao động. 

Năm 2018, Thanh Hóa triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bản tỉnh Thanh Hóa phát triển sản xuất chế biến lâm sản giai đoạn 2018 - 2020” với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng hỗ trợ thiết bị máy móc vào sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu, sản xuất sản phẩm ván thanh... Năm 2019, đề án điểm tiếp tục triển khai tại các huyện Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Tiêu biểu, Trung tâm đã phối hợp với Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn tại huyện Như Xuân xây dựng và tổ chức thành công mô hình trình diễn kỹ thuật “Sản xuất gỗ ván ép tiêu chuẩn CARB P2 phục vụ thị trường xuất khẩu” với tổng mức đầu từ 12,2 tỷ đồng. Doanh thu năm thực hiện dự án đạt gần 34 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 100 lao động. 

Theo Giám đốc Trung tâm Hoàng Xuân Phong, thông qua hoạt động khuyến công, đặc biệt là việc triển khai Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có khuyến công viên cấp huyện, xã và cộng tác viên khuyến công. Cùng với đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhỏ, lẻ, phân tán, năng lực tiếp cận thông tin, nguồn vốn còn hạn chế nên đa phần sản phẩm được sản xuất và xuất bán với giá trị không cao. Một số quy định trong chính sách khuyến công chưa phù hợp cũng là nguyên nhân gây không ít trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện các đề án.

Để tháo gỡ khó khăn, Trung tâm đã sử dụng linh hoạt 3 - 4% chi phí quản lý của các đề án để hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kiêm nhiệm, tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trong và ngoài nước. 

Xây dựng đề án điểm về thủy sản

Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong năm 2020 sẽ tiếp tục thực hiện Đề án khuyến công quốc gia điểm. Hiện, tỉnh đã phê duyệt 2 mô hình trình diễn kỹ thuật và 4 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công chế biến lâm sản với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Sở đang phối hợp với các đơn vị thụ hưởng, hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, với tiềm năng của ngành nghề chế biến thủy, hải sản của các cơ sở công nghiệp nông thôn, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, lập kế hoạch và đăng ký xây dựng đề án điểm về lĩnh vực thủy sản phục vụ thị trường trong nước nước và xuất khẩu. 

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào như nguyên liệu tre, luồng, các loại gỗ, giai đoạn 2021 - 2025 dưới sự định hướng của Cục Công thương địa phương, Sở sẽ tập trung xây dựng các đề án điểm nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn để khôi phục, nhân cấy, phát triển mạnh các ngành nghề có nguồn nguyên liệu này.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam, với đặc thù là một tỉnh lớn, đông dân cư, địa hình bao gồm miền núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển nên cần xây dựng mạng lưới khuyến công cấp huyện, cấp xã để có thể triển khai rộng và hiệu quả hơn. Rút kinh nghiệm thực tế vừa qua, giai đoạn tới muốn xây dựng kế hoạch khuyến công, tỉnh quán triệt “đầu tư có chọn lọc”, tránh tình trạng ôm đồm, chồng chéo. Theo đó, thay vì lập các đề án, chương trình dàn trải, nhỏ lẻ sẽ lập các đề án chương trình lớn thực hiện trong nhiều năm, chia nhiều giai đoạn. Cùng với đó, hệ thống văn bản quy định cũng cần giảm bớt những tiêu chí thẩm định không thực sự cần thiết khiến các cơ sở công nghiệp nông thôn khó tiếp cận với chương trình khuyến công. 

“Chính phủ cần sớm phê duyệt chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 để công tác khuyến công thực sự song hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời kỳ hội nhập và thực thi các Hiệp định thương mại tự do. Về phía Bộ Công thương cần tiếp tục nhân rộng thực hiện đề án điểm cho các tỉnh, với nhiều lĩnh vực và thời gian hỗ trợ có thể từ 3 - 5 năm tùy thuộc vào lĩnh vực và nhu cầu của từng địa phương”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa đề xuất.

Hạnh Nhung