Huy động sâu rộng hơn trí tuệ của nhân dân

- Thứ Năm, 15/02/2018, 12:32 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Trao đổi về chủ đề Vun đắp niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước, các vị khách mời cho rằng, niềm tin vào bộ máy sẽ là điều kiện quan trọng củng cố vai trò của Đảng, xây dựng đất nước giàu mạnh. Năm 2018 và những năm tiếp theo, cần huy động sâu rộng hơn tai mắt, trí tuệ của nhân dân vào cuộc chiến chống tham nhũng, đổi mới công tác cán bộ, phát huy vai trò của đại biểu dân cử; khi người dân thấy tiếng nói của mình vang khắp nghị trường, niềm tin đối với người đại diện sẽ son sắt, bền chặt hơn...

Các vị khách mời tham gia cuộc trao đổi bàn tròn cùng với Báo Đại biểu Nhân dân gồm: Nguyên Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh (Khóa XII, XIII), TS. Trần Du Lịch; ĐBQH Dương Trung Quốc và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân - nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (Khóa XII, XIII).

Niềm tin khởi sắc

- Đầu tiên, xin được hỏi ĐBQH Dương Trung Quốc. Năm vừa qua, cử tri, nhân dân cả nước hoan nghênh và bày tỏ tin tưởng vào công tác chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Nhiều đại án tham nhũng được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ đương chức hoặc đã về hưu bị kỷ luật, xử lý. Ông nhìn nhận thế nào về “chỉ số niềm tin” này?


Chúng ta đang ở thời kỳ quyết tâm chống tham nhũng. Việc quan trọng là làm thế nào để huy động được trí tuệ, tai mắt của dân tham gia vào một cách có tổ chức, đúng luật pháp. Việc huy động nhân dân tham gia sâu rộng là yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến này.


ĐBQH Dương Trung Quốc 

- ĐBQH Dương Trung Quốc: Phòng, chống tham nhũng là chuyện của muôn đời, mỗi nơi, mỗi lúc có một trạng thái khác nhau. Như tôi đã phát biểu, với đặc thù chính trị một Đảng cầm quyền, “Đảng lãnh đạo thống nhất, toàn diện, triệt để” của nước ta, vai trò hàng đầu trong chống tham nhũng thuộc về Đảng. Khi Đảng là người cầm quyền cao nhất, thì chống tham nhũng trở thành thước đo để người dân tin rằng, xã hội có phát triển tốt đẹp hay không. Thước đo đó chính là lòng tin của mọi người vào cơ chế chính trị mà chúng ta đang vận hành.

Thời gian gần đây, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ XII của Đảng và các Hội nghị Trung ương, nhân dân thấy rằng, chống tham nhũng đã thực sự đi vào đời sống, với một thái độ kiên quyết, nghiêm minh, kể cả với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Bắt nguồn từ cảm hứng của Tổng Bí thư, tôi nghĩ rằng, nếu Đảng là người nhóm lò, thì nhân dân sẽ là người quản lò, nhưng điều quan trọng nhất, bỏ vào trong lò những cái gì, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm.

Người dân muốn nhìn thấy hiệu quả. Hiệu quả đó, không chỉ là xử lý nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe, mà là lấy lại tài sản thất thoát. Nói cách khác, chống tham nhũng cũng là một cách để bảo vệ bộ máy cán bộ, cũng có nghĩa là bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Những diễn biến gần đây rõ ràng mang lại cho người dân niềm tin, sự ủng hộ, đồng tình. Điều quan trọng, niềm tin ấy cần phải được xác lập một cách bền vững.

- Thưa TS. Trần Du Lịch, 2017 cũng là năm Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực trong thực hiện cam kết xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã được cải thiện như thế nào, thưa ông?


Để tạo niềm tin trong xã hội, quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ. Tôi cho rằng, Đảng, Nhà nước nên có cơ chế thỏa đáng với những người làm được việc; còn những người không làm được dù đã là biên chế nhà nước cũng phải kiên quyết và có biện pháp rõ ràng. Còn với cơ chế biên chế suốt đời như hiện nay thì rất không hiệu quả.


TS. Trần Du Lịch 

- TS. Trần Du Lịch: Nỗ lực của Chính phủ tạo niềm tin cho nhân dân, cho doanh nghiệp được thể hiện trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường mà ở đó pháp luật được tuân thủ, sự công bằng, bình đẳng thể hiện thông qua một xã hội thượng tôn pháp luật, từ bộ máy nhà nước đến xã hội. Chính phủ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, làm nền tảng để cải cách nền hành chính công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Sau gần 2 năm của nhiệm kỳ này, bước đầu cho doanh nghiệp và nhân dân thấy rằng, Chính phủ thực sự muốn cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng cách điều hành kinh tế mang tính thị trường nhiều hơn, hội nhập với khu vực và thế giới. Vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu trong diễn đàn Kinh tế Việt Nam rằng, mỗi một đồng vốn của nhà đầu tư là một lá phiếu cho Chính phủ, nó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư với Chính phủ.

Có thể hình dung trong những năm sắp tới, với tốc độ tăng đầu tư, đặc biệt là của khu vực tư nhân, rồi các khoản đầu tư đổi mới công nghệ; sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... sẽ là những chỉ dấu quan trọng cho thấy niềm tin đã được củng cố.

- Vâng, cùng với không khí tươi vui của mùa xuân, sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của đất nước, qua các cuộc TXCT, cử tri vẫn chưa hài lòng về công tác tinh giản biên chế cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy. Xin được hỏi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, ông nghĩ sao về điều này?


Để có được sự tin yêu, cùng với việc gắn bó máu thịt với cử tri, người đại biểu cần phải sử dụng tốt “bảo kiếm” giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri đã được pháp luật trao cho. Khi cử tri thấy các kiến nghị của mình được giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý hợp tình, thì rất tự nhiên, niềm tin vào đại biểu dân cử, cơ quan dân cử và rộng ra là bộ máy nhà nước ngày càng được bồi đắp xanh tươi.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân 

- Ông Nguyễn Tấn Tuân: Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, biên chế không những không giảm mà còn phình thêm. Thực lòng mà nói, tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc tinh giản mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Đối tượng tinh giản tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi, chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.

Quá trình thực hiện tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả trong chừng mực nhất định, làm cho tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; ngân sách chi thường xuyên dành cho bộ máy rất lớn, kéo theo tỷ lệ chi cho đầu tư, phát triển thấp... Rõ ràng điều này, ít nhiều làm giảm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Tôi cho rằng, thời gian tới cần thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII cũng như Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV ban hành. Trong quá trình triển khai, phải biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được quy định tại Nghị quyết 18.

Tín tâm vào chiến thắng

- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn cho dân tin, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Thưa ĐBQH Dương Trung Quốc, ông nhắc đến việc xác lập niềm tin bền vững, trong hoàn cảnh hiện nay đâu là chìa khóa?

- ĐBQH Dương Trung Quốc: Theo tôi, cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải đi đến tận cùng. Điều quan trọng, cuộc đấu tranh này phải xây dựng được hệ thống giá trị mới, đội ngũ mới, phương thức làm việc mới.

Nhân bạn nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhớ lại câu chuyện: Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, tương quan lực lượng rất chênh lệch. Trong chuyến đi thị sát chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hỏi những người phụ trách rằng, nhân dân có quyết tâm không? Khi kháng chiến nổ ra, chúng ta có thể giữ Hà Nội được bao lâu? Khi đó, mọi người đều trả lời rằng quyết tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói rằng: Quyết tâm thôi chưa đủ, phải là tín tâm, phải có niềm tin thực sự là chúng ta sẽ chiến thắng.

Tôi nghĩ rằng, lúc này là lúc chúng ta nhắc lại chữ tín tâm ấy. Ở đây không phải tín tâm của người quan sát, xem Đảng, Nhà nước làm cái gì, mà người dân phải tham dự vào đó. Phải làm sao để người dân là người quản lò; phải làm sao huy động được trí tuệ, tai mắt của dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Có một thực tế là, không phải cơ quan chức năng đi đầu trong việc phát hiện các vụ án, cá nhân tham nhũng, mà chính là dư luận xã hội, chính là người dân. Việc huy động nhân dân tham gia là yếu tố quyết định sự thắng lợi của cuộc chiến này.

Vậy làm sao để người dân thực sự tham gia? Tôi cho rằng, chúng ta phải phát huy dân chủ. Đi cùng với đó là cơ chế lắng nghe tiếng nói, chắt lọc tiếng nói để có thể điều chỉnh chính sách, loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất khỏi bộ máy, xây dựng phát triển đất nước. Đừng làm cho dân sợ. Nguy hiểm hơn, đừng để cho dân chán. Tất cả những điều đó là lòng tin, làm sao thu hút người dân tham gia vào sự nghiệp này. Vì người dân hiểu rằng, đấu tranh chống tham nhũng, chính là bảo vệ lợi ích của chính mình. Đương nhiên, qua đó bảo vệ vị trí, vai trò của Đảng cầm quyền.

- Thưa TS. Trần Du Lịch, cùng với mong mỏi cuộc chiến chống tham nhũng đi đến thắng lợi, thì người dân, doanh nghiệp cũng mong muốn và đòi hỏi bộ máy nhà nước phải tiếp tục đổi mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- TS. Trần Du Lịch: Niềm tin vào bộ máy của người dân, doanh nghiệp phải đến từ sự tạo dựng niềm tin một cách đồng bộ của cả hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đối với hệ thống lập pháp, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các văn bản luật khả thi, kịp thời điều chỉnh các quan hệ của cuộc sống nhưng vẫn phải bảo đảm tính ổn định, thống nhất, dự báo được; dần dần hướng đến việc ban hành các đạo luật có thể thi hành trực tiếp, không chờ nghị định, thông tư. Năm 2018 này, tôi cho rằng, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ trình dự thảo một luật sửa nhiều luật để khắc phục các mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Quốc hội, HĐND, cần phải giám sát các vụ việc, các vấn đề nổi cộm của đời sống; dự toán và giám sát việc thu, chi ngân sách chặt chẽ hơn...

Đối với hệ thống tư pháp, cần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; phải khắc phục tối đa việc chạy án, thực trạng nén bạc đâm toạc tờ giấy; để người dân thấy rằng, tới tòa án là để tìm công lý.

Với hệ thống hành pháp, cần phải tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiện thực hóa phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả; làm sao để người dân tin rằng, đồng tiền họ đóng thuế là tạo ra phúc lợi cho họ. Bên cạnh thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP, trọng tâm trong năm 2018, Chính phủ phải vực được kinh tế tư nhân phát triển. Ngoài ra, một nền hành chính phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tuân thủ pháp luật, chứ không “chờ” vi phạm rồi xử lý; đồng thời, có chế tài nghiêm với những người vi phạm.

Tôi cho rằng, Chính phủ phải thẳng thắn nhìn cái sai để sửa, tạo niềm tin. Một vấn đề khác nữa đang đặt ra là xử lý ô nhiễm môi trường, phải dùng pháp luật để buộc doanh nghiệp tuân thủ, chứ không thể ngồi chờ “lòng tốt” của doanh nghiệp trong xử lý vấn đề môi trường.

Tóm lại, trong nền kinh tế, chúng ta phải quản lý thế nào để cho những người làm ăn không chân chính, cạnh tranh không lành mạnh, gian dối không còn “đất sống” thì những người làm ăn chân chính mới tồn tại, phát triển. Khi người dân có niềm tin, họ sẵn sàng đóng thuế, sẵn sàng lao động, sáng tạo, bỏ vốn đầu tư, lúc đó Nhà nước sẽ giàu mạnh.

- Thưa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, theo ông, với chức trách của mình, đại biểu dân cử cần phải làm gì để củng cố niềm tin của cử tri vào bộ máy Nhà nước?

- Ông Nguyễn Tấn Tuân: Tôi cho rằng, trách nhiệm, quyền năng của đại biểu dân cử đã được quy định rõ trong các văn bản luật. Là đại biểu dân cử, hạnh phúc nhất là được nhiều cử tri tìm đến, gửi gắm nguyện vọng; và sẽ buồn biết bao nếu cuộc TXCT chỉ lác đác đôi ba người. Việc liên hệ, gắn bó, gần gũi với cử tri, kịp thời nắm bắt nỗi niềm, tâm tư, trăn trở và cả oan ức của cử tri (nếu có), đề đạt và giám sát việc giải quyết những kiến nghị của cử tri phải trở thành mục tiêu hoạt động, tâm niệm của mỗi đại biểu. Cùng với đó, đại biểu phải tự nâng cao năng lực, hiểu biết của mình, đóng góp ý kiến trí tuệ, sâu sắc vào mỗi nghị quyết, dự án luật, những quyết định quan trọng; giám sát chặt chẽ hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật.

Đặc biệt, mỗi đại biểu cần thực hiện tốt quyền chất vấn của mình, chuyển tải được những vấn đề bức xúc của đời sống, những căn bệnh trầm kha của thể chế, những nhóm lợi ích đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của địa phương, đất nước để lôi ra ánh sáng, truy rõ trách nhiệm, giải pháp xử lý và cam kết trách nhiệm chính trị của người bị chất vấn. Khi người dân thấy tiếng nói của mình vang khắp nghị trường, niềm tin của cử tri đối với người đại diện sẽ son sắt, bền chặt.

Với cơ chế kiêm nhiệm hiện nay, người đại biểu cũng phải có được dũng khí, vượt qua được mâu thuẫn về lợi ích giữa một “vai” là đại biểu dân cử, “mang vác” quyền lực của nhân dân, với một “vai” là cán bộ chuyên môn, được lãnh đạo bởi thủ trưởng các ngành, lĩnh vực. Đại biểu phải nói cho đúng, cho đủ, cho xứng đáng vai trò người đại diện của mình; chứ không phải nói dựa, nói nịnh hoặc lặng im. Đây là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh, dũng khí của người đại biểu.

Đại biểu cần có mặt ở những điểm nóng

- Thẳng thắn nhìn nhận, tại những điểm nóng trong đời sống xã hội ở các địa phương trong năm qua, chẳng hạn như các dự án BOT, dường như cử tri vẫn thấy thiếu vắng hình ảnh và tiếng nói của đại biểu dân cử. Thưa ĐBQH Dương Trung Quốc, ông nghĩ sao về điều này?

- ĐBQH Dương Trung Quốc: Trong thư gửi các nhà lãnh đạo mới đây, tôi đã nhắc lại sự kiện từng chứng kiến: Khi tôi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng xuống Đồng Tâm (Hà Nội), câu đầu tiên người dân rất hồ hởi: À, các bác đã về rồi! Câu thứ 2, họ nói đầy trách móc: Tại sao bây giờ các bác mới đến (?!) Rõ ràng, nếu mình đến trước, đến sớm, phát hiện ra vấn đề, đề đạt với tất cả quyền năng, trách nhiệm, thiện chí, tôi nghĩ sẽ không xảy ra những chuyện như thế! Về lý lẽ, đại biểu dân cử phải có mặt ở những điểm nóng, để chia sẻ với dân; thậm chí, người đại biểu phải thuyết phục dân nếu như nhân dân có những hành động không đúng với pháp luật.

Tôi xin lấy một ví dụ. Có hôm, vô tình tôi đi công tác đúng lúc một số người dân phản đối trạm BOT ở Hòa Bình. Trước sự việc này, tôi có đến đó, gặp gỡ và đề nghị người dân chuyển ngay đơn cho tôi; đồng thời có những giải đáp, giải tỏa bức xúc của người dân. Hôm sau, tôi chuyển đơn cho Bộ trưởng Bộ GT-VT. Tôi cho rằng, khi một vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương, nếu như các đại biểu dân cử lên tiếng, thẳng thắn chỉ ra cái đúng, cái sai cần điều chỉnh thì sẽ hạn chế được xảy ra những điểm nóng như thế.

- Thưa TS. Trần Du Lịch, cử tri mong mỏi đại biểu dân cử cần có tiếng nói kịp thời trước những vấn đề bức xúc của đời sống hàng ngày. Ông nghĩ sao về điều này?

- TS. Trần Du Lịch: Là người đại diện cho dân, khi nhân dân có vấn đề bức xúc, nổi cộm, thì vai trò của cơ quan dân cử, ĐBQH, đại biểu HĐND rất quan trọng. Tôi ví dụ, khi một vụ việc xảy ra ở địa phương, đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh ở đó phải có tiếng nói. Tuy nhiêu, đôi lúc đại biểu HĐND cấp tỉnh cũng không thấy vai trò, rồi cả ĐBQH trên địa bàn. Tôi cho rằng, ĐBQH, đại biểu HĐND ở từng địa phương nơi xảy ra các vụ việc, điểm nóng cần phải có tiếng nói, vai trò quan trọng hơn. Đừng để khi xảy ra việc, cử tri không thấy đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình đâu cả! Nếu như không thể hiện được tiếng nói người dân ở đó, thì rõ ràng đại biểu không tạo được niềm tin của cử tri bầu ra mình.

- Xin được hỏi ĐBQH Dương Trung Quốc, trong việc vun đắp niềm tin của nhân dân vào bộ máy, ông có nghĩ rằng, đối thoại với cử tri, với nhân dân để kịp thời tháo gỡ những bức xúc, điểm nóng là quan trọng?

- ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi thấy rằng, đối thoại giữa dân và lãnh đạo bây giờ rõ ràng có sự ngăn cách. Ngăn cách đầu tiên là quan liêu hóa của bộ máy chính quyền. Cụ Hồ nói rồi, thói “quan cách mạng”, khệnh khạng, coi thường dân, khinh dân... Thứ nữa, hình như các quan chức rất e ngại dân, ngại gặp dân, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Cần phải hình thành cơ chế người đứng đầu hoặc người được ủy nhiệm đứng đầu giải quyết vấn đề, tránh tình trạng người thừa hành đi đối thoại, ghi nhận rồi để đấy.

Những lần gần đây, khi ĐBQH chúng tôi tiếp xúc cử tri, chính quyền giao cho rất nhiều cơ quan chức năng đi cùng. Trong buổi tiếp xúc, có vấn đề gì thì trả lời ngay: Có vấn đề thông tin đầy đủ cho dân; có vấn đề điều chỉnh cho dân nhận thức đầy đủ chính sách đã làm; hoặc ghi nhận những ý kiến đúng, kèm theo những lời hứa sẽ thực hiện. Các ĐBQH sẽ giám sát việc thực hiện như thế nào. Nếu làm tốt, việc đối thoại với dân sẽ thực sự trở thành động lực cho sự phát triển.

Từ ví dụ này, tôi thấy rằng phải xem xét lại thấu đáo việc đối thoại với dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Hiện nay, các quy định của pháp luật cơ bản ta có đầy đủ, nhưng thực hiện chưa hiệu quả, sự giám sát thấp. Ở đây, vai trò của Đảng là quan trọng nhất. Hầu hết các quy trình, xử lý của Đảng cũng đi trước xử lý của chính quyền, của pháp luật. Vai trò cao nhất, quyền năng cao nhất thì trách nhiệm cũng phải tốt nhất. Mặt khác, cần phải đề cao tính thượng tôn pháp luật; từ bỏ cái ta gọi là phạt cho tồn tại. Nghe nó nhẹ nhàng đơn giản, nhưng nó lại phá hủy hệ thống pháp luật, tạo ra môi trường cho tiêu cực, hủy hoại bộ máy công chức.

Chữ tín trong lá phiếu

- Hoạt động đánh giá tín nhiệm của Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ trước cơ bản được cử tri tán đồng. Thưa TS. Trần Du Lịch, cử tri cũng mong muốn hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của cơ quan dân cử với các chức danh phải như tấm lưới, lọc ra và loại bỏ những người không đủ năng lực khỏi bộ máy, ông nghĩ sao?

- TS. Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, với hoạt động này, đánh giá thiết thực nhất có lẽ là ĐBQH đánh giá các bộ trưởng, trưởng ngành, đại biểu HĐND đánh giá các giám đốc sở, thành viên UBND. Thực tế, “tư lệnh” ngành nào, lĩnh vực nào làm được việc hay không, cử tri, đại biểu đều thấy rõ. Thậm chí, khi xảy ra vụ việc, bộ trưởng, trưởng ngành ấy đứng ra giải quyết thế nào, nhân dân cũng nhìn thấy rõ. Hoạt động đánh giá tín nhiệm sẽ thực sự hiệu quả, hữu ích, mang lại niềm tin cho nhân dân chỉ khi đánh giá ấy rõ ràng, trung thực; đồng thời những người có tín nhiệm thấp, không đáp ứng yêu cầu của chiếc ghế đang ngồi, thì cần phải được thay thế.

Đợt đánh giá tín nhiệm giữa nhiệm kỳ tới đây, qua hơn 2 năm, nửa nhiệm kỳ mà các chức danh không làm được việc thì nên xử lý, thay người khác có năng lực, không thể chờ đến hết nhiệm kỳ được. Tôi cho rằng, quy trình đánh giá tín nhiệm cần tiếp tục cải cách theo hướng để người dân thấy rằng, một chức danh khi không làm được việc thì không thể ngồi ở ghế đấy mãi, có như vậy thì mới có được bộ máy hoạt động hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

- Xin hỏi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, theo ông, để hoạt động đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn tới đây thực sự hiệu quả, cần phải chú ý những vấn đề gì?

- Ông Nguyễn Tấn Tuân: Để việc đánh giá tín nhiệm đạt hiệu quả cao, trước hết, người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Báo cáo phải nêu được những công việc đã làm, hiệu quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo và những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân một cách trung thực, làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát.

Đối với cơ quan có thẩm quyền, triển khai thực hiện đúng quy trình, thể hiện tính công khai, minh bạch, khách quan, bảo đảm tính trung thực; tổng hợp báo cáo, đánh giá, kiểm chứng các thông tin của người được đánh giá tín nhiệm một cách chắc chắn, thận trọng, công tâm và khách quan. Cần phải có thông tin về nhận xét đánh giá của cử tri nơi đại biểu ứng cử. Vì đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ tín nhiệm của cử tri đối với những chức danh được bỏ phiếu tín nhiệm thông qua tập hợp của Ủy ban MTTQ, trước khi thông qua báo cáo đánh giá đối với người được đánh giá tín nhiệm.

Là người đại diện cho nhân dân, có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của những người đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, các đại biểu phải thể hiện rõ quan điểm của mình, không phiến diện. Đối với những vấn đề chưa rõ, đại biểu cần tổng hợp nhiều thông tin khác nhau, đặc biệt là ý kiến cử tri, để nêu rõ quan điểm của mình. Trường hợp cần thiết, đại biểu cần có sự kiểm định, kiểm chứng xác minh của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trước khi bỏ phiếu tín nhiệm.

- Cùng với việc “sát hạch” các chức danh của bộ máy, hoạt động đánh giá tín nhiệm cũng là dịp để cử tri kiểm chứng chữ tín của chính người đại diện cho mình. Ông có nghĩ như vậy không thưa ĐBQH Dương Trung Quốc?

- ĐBQH Dương Trung Quốc: Không chỉ các vị ĐBQH bày tỏ mức độ tín nhiệm các thành viên Chính phủ, đại biểu HĐND bày tỏ tín nhiệm các thành viên UBND, mà thông qua đợt đánh giá tín nhiệm này, cử tri cũng bày tỏ tín nhiệm với các đại biểu dân cử của mình, xem có nói đúng tiếng nói của dân hay không? Tôi rất mong muốn có sự công khai trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm; để cử tri có thể thấy rõ đại biểu của mình tín nhiệm hay không tín nhiệm người này; đồng ý hay không đồng ý việc này.

- Trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

Thái Cường thực hiện