Huy động thêm nguồn lực!

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:29 - Chia sẻ
Đó là khuyến nghị của Giám đốc Ban quản lý Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” KHƯƠNG THỊ NHÀN tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Theo đó, để giải quyết các vấn đề bất cập từ thực tế đặt ra về nguồn lực cũng như các yếu tố khác, rất cần sự nỗ lực của “người trong cuộc” cũng như sự ủng hộ của toàn xã hội”.

Lần đầu tiên, các trường nghề tiếp cận các chương trình tầm quốc tế

- Bà có thể chia sẻ những tác động chính mà Dự án đã mang lại cho lĩnh vực GDNN?

- Dù chỉ là một hợp phần trong chương trình tổng thể về cải cách GDNN nhưng lại là mấu chốt quyết định mang tính tiên phong cho toàn bộ chặng đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, nhằm hòa nhập sâu rộng với mạng lưới nhân lực khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Dự án là một bước cụ thể hóa Luật Giáo dục nghề nghiệp, giúp việc triển khai Luật vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.


Giám đốc Ban quản lý Dự án Khương Thị Nhàn

 Dự án “Đổi mới và Nâng cao chất lượng GDNN” là 1 trong 3 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20.6.2017. Đơn vị thực hiện Dự án là các trường, bộ, ngành, địa phương. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 12.197,2 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 12.845 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn vốn của Dự án gồm: Ngân sách trung ương 7.657,2 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 2.800 tỷ đồng; các nguồn huy động khác 1.120 tỷ đồng (vốn sự nghiệp).

Cái được lớn nhất mà Dự án đạt được sau 3 năm triển khai đó là, lần đầu tiên các trường nghề được tiếp cận các chương trình đào tạo mang tầm quốc tế. Điều này không chỉ giúp người học được trải nghiệm với những kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới mà còn giúp giáo viên chuẩn hóa các kỹ năng dạy, các trường đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt lý thuyết - thực hành sang đào tạo theo modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.

Một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động hỗ trợ công nghệ thông tin là đã xây dựng được ứng dụng chọn nghề, chọn trường trên điện thoại di động, đã cập nhật được thông tin của 1.000 cơ sở GDNN, với hơn 800 nghề đào tạo và thường xuyên có khoảng 10 nghìn người truy cập; thực hiện số hóa, mô phỏng hóa các chương trình đào tạo theo các phần mềm tiên tiến trên thế giới.

- Tuy nhiên, Dự án ra đời trước khi có sự thống nhất quản lý nhà nước về GDNN, vậy điều này ảnh hưởng thế nào đến việc triển khai Dự án, thưa bà?

- Đây là điều bất cập nhất trong việc triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án. Rõ ràng nếu chỉ tập trung đầu tư cho các trường nghề theo kế hoạch ban đầu thì không có vấn đề gì nhưng vẫn số kinh phí ấy đầu tư cho số lượng trường gấp đôi kế hoạch đã xây dựng thì nguồn lực bị xé lẻ, mục tiêu ban đầu vì thế cũng khó đạt theo mong muốn.

Chưa đánh giá, phân loại các trường nghề được lựa chọn theo mức độ đạt được của các tiêu chí trường chất lượng cao để xây dựng phương án đầu tư. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao không đạt theo kế hoạch do một số tiêu chí không phù hợp và hiện nay chưa có Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho tất cả các nghề; một số bộ, ngành, địa phương phân, giao kinh phí Dự án chậm, các thủ tục thực hiện mua sắm chậm nên phải nộp trả NSNN... Ngoài ra, nhiều trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường thuộc doanh nghiệp nhà nước chưa được hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý một phần do chưa nắm được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng… 

Không nên chỉ trông vào ngân sách nhà nước

- Vậy, làm thế nào để giải quyết vấn đề kinh phí cũng như một số bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Dự án, thưa bà?

- Để thực hiện được những kế hoạch nhiệm vụ trên, theo tôi Chính phủ cần  sớm ban hành Đề án Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025 nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN nói chung và trường được định hướng phát triển thành trường chất lượng cao nói riêng.

Đối với các bộ liên quan như Bộ Tài chính cần kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng 10% kinh phí dự phòng chưa được thông báo của Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động. Đồng thời, bổ sung kinh phí cho Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” thuộc Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho cả hệ thống GDNN. Đối với các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở GDNN là cơ quan thực hiện Dự án, cần phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và phê duyệt dự án đầu tư bảo đảm đúng nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ theo hướng dẫn. Đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm đang thực hiện có hiệu quả.

Đồng thời, chủ động huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Tiếp tục khai thác, bảo quản và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư giai đoạn 2016 - 2018. Khuyến khích tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

- Trong thời gian hơn một năm còn lại của Dự án, nhiệm vụ trọng tâm sẽ là gì, thưa bà?

- Trong thời gian 2019 - 2020, chúng tôi ưu tiên, tập trung cho những hoạt động có tính chất hỗ trợ kỹ thuật, những nhiệm vụ có tác động tới sự phát triển và bảo đảm chất lượng đào tạo của hệ thống GDNN để thực hiện các nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GDNN; chuẩn hóa, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN; phát triển chương trình, đào tạo thí điểm, xây dựng danh mục thiết bị, tiêu chuẩn cơ sở vật chất và định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo GDNN; phát triển hoạt động kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN; hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN…

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thái Bình thực hiện