Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Tập trung nhiều nguồn lực để thoát nghèo bền vững

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 09:35 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2015-2020 là nhiệm kỳ đầu tiên huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính. Khó khăn, thách thức về nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội, nguồn lực… chính là động lực thôi thúc hệ thống chính trị huyện phải năng động, sáng tạo, tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Thoát nghèo nhờ biển, nhờ rừng

Khi chia tách, toàn bộ địa bàn có kinh tế phát triển nhất của huyện Kỳ Anh cũ đều được ưu tiên “chia” cho thị xã cả. Vùng khó khăn hơn là các xã biển bãi ngang và các xã vùng thượng, đều ở lại với huyện Kỳ Anh mới. Chỉ một thông tin như vậy cũng đủ hình dung huyện Kỳ Anh là địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng yếu nhất so với mặt bằng chung của tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Trần Đình Gia chia sẻ, vì hạ tầng xã hội hạn chế do đang từng bước hoàn thiện, nên dựa trên thực tế rừng-biển của địa phương, huyện đã định hướng và tập trung nhiều nguồn lực cho câu chuyện thoát nghèo.

Nhân dân Kỳ Anh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Nhân dân Kỳ Anh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Trước đây, có lẽ người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng ít ai dám nghĩ du lịch biển lại là cứu cánh cho người dân trong ngắn hạn. Nhưng giờ đây, sau khi quy hoạch và xây dựng, mở rộng những cung đường khang trang các xã Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang... lượng du khách đang tăng nhanh theo từng năm.  “Quan điểm của huyện là thời gian giúp du khách tiếp cận các bãi biển đẹp của Kỳ Anh phải được rút ngắn tối đa. Trong 5 năm qua, huyện đã ưu tiên nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch biển…” ông Gia thông tin. Cùng với các trục đường xã, thôn phần lớn được xây dựng rộng rãi, kiên cố đã tạo thuận lợi tối đa cho du khách đến với biển Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang. Bước đầu mỗi năm có khoảng 30 ngàn lượt du khách đến với các khu, điểm du lịch biển Kỳ Anh.

Tháng 9.2019, huyện công bố quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch ven biển Kỳ Xuân với tổng diện tích quy hoạch 490,7 ha, khu du lịch ven biển Kỳ Xuân gắn với phát triển đô thị Kỳ Xuân sẽ khai thác tối đa các lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch biển kết hợp với bảo vệ môi trường khu vực ven biển, đảm bảo QPAN.

Song song với vùng biển, huyện Kỳ Anh ngược lên đầu tư cho Lâm, Sơn, Thượng, Lạc, Tây, Hợp, Trung là “nhóm” các xã vùng cao. Mặc dù tài nguyên rừng, đất rừng rộng lớn nhưng kể từ thời điểm tách huyện 2015 trở về trước, rất hiếm xã khai thác được tiềm năng, lợi thế của “rừng vàng”. Đa số vườn tạp, rừng keo, đồi chè cằn cỗi, năng suất thấp khiến bà con vùng thượng luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo.

Theo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Anh sắp tới, các xã vùng thượng đã thành lập được trên hàng trăm mô hình kinh tế với quy mô từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng. Điều đáng mừng là các mô hình đều phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng. Khoảng 3 năm lại nay, đời sống người dân các xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Trung đổi thay rõ rệt. Từ công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, hàng nghìn ngôi nhà lầu cũng được dựng lên bề thế…

“Toàn huyện Kỳ Anh có 20.000ha rừng sản xuất thì 7 xã vùng Thượng chiếm đến hơn 15.000ha. Đối với cây chè, theo quy hoạch của huyện, phấn đấu đến năm 2020 trồng được 600ha nhưng đến nay đã có 491ha đứng chân tại các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Sơn; trong đó gần 300ha đã cho thu hoạch. Qua đánh giá sơ bộ, bình quân năng suất chè toàn huyện đạt 15 tấn/ha, cá biệt một số diện tích thâm canh theo VietGap năng suất đạt tới 25 – 27 tấn/ha,” Bí thư Huyện ủy, ĐBQH Trần Đình Gia cho biết. “Với tốc độ tăng giá trị sản xuất theo giá so sánh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,03%; tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt hơn 6,455 nghìn tỷ đồng, tăng 49,2% so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng như hiện tại, Huyện ủy khá tự tin với định hướng đã chọn!”

Vững cán bộ, chắc tổ chức

Nhưng nói gì thì nói, sự chủ động nhất của toàn hệ thống chính trị địa phương vẫn chính là con người, là cái nếp phục vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên “ra riêng” được quan tâm sát sao, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài năng, nhiệt huyết. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, chấn chỉnh và khắc phục có hiệu quả những tồn đọng, hạn chế yếu kém.

Trong điều kiện chưa đủ số lượng, đội ngũ cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện chịu khó, nỗ lực cùng nhau khắc phục khó khăn để tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện; Triển khai kịp thời, vận dụng linh hoạt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào tình hình cụ thể của huyện; ban hành kịp thời một số chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm; phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết thấu đáo những kiến nghị chính đáng của người dân, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc; Chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu;

Bí thư Huyện ủy Trần Đình Gia cho rằng, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, điều quan trọng nhất là phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. “Cụm từ dám làm và dám chịu trách nhiệm ai cũng có thể nói ra, nhưng để thực hiện được không phải là việc đơn giản,” ông Gia đặt vấn đề.

Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy là cụ thể hóa toàn bộ các quy định của cấp trên, hoàn thiện quy chế hoạt động, các chuẩn mực, cơ chế phối hợp; gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chức trách, nhiệm vụ được giao, nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Huyện cũng coi trọng việc nhân rộng mô hình mới, cách làm sáng tạo, người tốt việc tốt, giáo dục truyền thống trong  cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tinh thần vượt khó, vươn lên của con người Kỳ Anh.

Bí thư Huyện ủy Trần Đình Gia cho biết, nhiệm kỳ tới, huyện phát huy đoàn kết, dân chủ, sức sáng tạo của Nhân dân để làm sao khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khai thác hiệu quả các vùng sinh thái, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng huyện Kỳ Anh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, phát triển nhanh, bền vững.

Lê Tùng