Kéo dài hỗ trợ

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 07:45 - Chia sẻ
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm nay ghi nhận sự giảm sút trên mọi phương diện. Số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số lao động đăng ký - tất cả đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, 7 tháng qua, cả nước có 75,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, giai đoạn 2015 - 2019, số doanh nghiệp thành lập mới 7 tháng đều tăng với mức trung bình 13,7%.  

Tương tự, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, cho thấy những ảnh hưởng dai dẳng và nặng nề của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có 9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cả 7 tháng có 63,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019.

Doanh nghiệp “ốm” thì người lao động “yếu”. Mặc dù thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, nhưng 7 tháng qua cả nước cũng mới chỉ giải quyết được chưa đến 700 nghìn việc làm mới, trong khi có hàng triệu lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hồi tháng 6, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự đoán nếu tình hình dịch tễ diễn biến tích cực, số mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 70 - 80 nghìn người và 3 - 3,5 triệu lao động phải ngừng việc. Giờ dịch bệnh quay lại và diễn biến phức tạp hơn, những con số đó chắc chắn sẽ thay đổi theo hướng tệ hơn.

Trong khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương hiện nay đã phải tiến hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội do dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một số chính sách, giải pháp hỗ trợ đề ra tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng đã hoặc sắp hết thời hạn thực hiện.

Ví dụ, chính sách hỗ trợ lao động bị mất việc làm hoặc phải giãn việc, giảm giờ làm; hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng kinh doanh; cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động… theo Nghị quyết 42/NQ-CP kết thúc vào ngày 30.6.2020. Thời hạn hỗ trợ ngành hàng không và miễn giảm học phí tại Nghị quyết 84/NQ-CP cũng chỉ kéo dài đến hết tháng 9.2020 hoặc quý II, quý III năm 2020. Hay, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất… tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP có thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn trước ngày 30.7.2020, đồng nghĩa việc người nộp thuế sẽ không được gia hạn nếu làm thủ tục sau thời điểm này.

Đáng chú ý, dù thời hạn hỗ trợ sắp hết nhưng tình hình triển khai chính sách rất chậm. Điển hình là Chính phủ chỉ đạo giảm giá một số dịch vụ cho ngành hàng không từ tháng 3 đến hết tháng 9, nhưng tới nay Bộ Giao thông - Vận tải vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng kết thúc vào tháng 6, nhưng theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 13.7 mới giải ngân gần 11,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho 11,5 triệu người và hơn 9 nghìn hộ kinh doanh. Gói 16 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đến ngày kết thúc (31.7) cũng không giải ngân được mấy đồng.

Trước thực tế này, cùng với việc dịch bệnh quay lại và diễn biến phức tạp bẻ gãy đà hồi phục của cả nền kinh tế, các bộ, ngành, địa phương cần xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Quá trình gia hạn phải đúng lúc (ban hành sớm, thực thi nhanh, thủ tục gọn nhẹ), đồng thời nhân cơ hội này điều chỉnh chính sách cho đúng chỗ (ngành nào, doanh nghiệp nào cần cứu trước, ngành nào, doanh nghiệp nào có thể hỗ trợ sau) và đúng cách (chính sách phải khả thi), tránh tình trạng sấm chớp kêu to nhưng mưa thì nhỏ giọt.

Doanh nghiệp giờ chỉ sống được theo ngày. Chính sách càng chậm thì số doanh nghiệp chết càng lớn, kéo theo đó là thân phận của hàng triệu lao động vốn đang nhiều khốn khó…

Hà Lan