Kết luận giám sát phải thể hiện ý nguyện của dân

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:19 - Chia sẻ
HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát của mình không chỉ đối với việc tuân theo pháp luật và toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương; mà còn để kiểm chứng, đánh giá hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật. Trên cơ sở đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp hoặc ban hành chính sách mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Cơ sở quan trọng thực thi quyền lực do Nhân dân ủy thác

Luật Tổ chức HĐND, UBND 2003 trước đây hay hiện hành là Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 quy định HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND có nhiều hình thức giám sát, trong đó có giám sát chuyên đề. Sau khi kết thúc giám sát phải có kết luận, ban hành các văn bản theo luật định. Tuy nhiên, làm thế nào để kết luận giám sát thể hiện được ý chí, nguyện vọng của dân, là cơ sở thực tiễn quan trọng để thực thi quyền lực do dân ủy thác, luôn là mục tiêu và trăn trở của những người công tác ở cơ quan dân cử các cấp.


Ban Pháp chế HĐND TP Bảo Lộc giám sát thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp đô thị tại Phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc

Thông thường, sau khi kết thúc giám sát chuyên đề, đoàn giám sát dành thời gian hội ý, đánh giá sơ bộ làm cơ sở cho người trực tiếp tổng hợp, viết dự thảo báo cáo kết quả giám sát, đưa ra các đề xuất, kiến nghị ban đầu. Cũng có lúc, đoàn giám sát bỏ qua động thái này vì các thành viên đa số là đại biểu kiêm nhiệm, bận nhiều công việc chuyên môn nên không có thời gian để tổ chức hội ý, đánh giá sơ bộ mà chỉ tổ chức cuộc họp chính thức của Thường trực HĐND hoặc Ban HĐND để xem xét báo cáo kết quả giám sát. Trong trường hợp này, các dự thảo báo cáo kết quả giám sát phải được hoàn thành, in ấn, gửi tới cho tất cả các thành viên trong đoàn trước đó với thời gian đủ để nghiên cứu, cho ý kiến góp ý, gửi lại cho Trưởng đoàn xem và chuyển cho người trực tiếp soạn thảo để kịp bổ sung hoàn thiện, ban hành báo cáo chính thức.

Vấn đề không kém phần quan trọng là nên phân công ai trực tiếp soạn thảo báo cáo kết quả giám sát? Đây là trăn trở mà thực tế hoạt động của HĐND - nhất là ở cấp xã, cấp huyện - trong điều kiện tinh giản biên chế hiện nay, khi không phải ở đâu cũng có được đội ngũ chuyên viên tham mưu, giúp việc cho HĐND giàu kinh nghiệm, am tường pháp luật, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Bởi vậy, sau khi kết thúc một cuộc giám sát, có nơi thì Trưởng đoàn hoặc Phó đoàn là đại biểu chuyên trách phải “cặm cụi” ngày đêm cho kịp thời hạn luật định. Vì chuyên viên văn phòng chỉ 1, 2 người còn phải phục vụ cho Thường trực, các Ban và các công việc sự vụ “không tên” khác. Cũng có nơi Trưởng đoàn gạch đầu dòng” ý chính và giao cho chuyên viên giúp việc; có nơi giao “khoán trắng” hẳn cho cán bộ chuyên viên(!)... Chất lượng báo cáo kết quả giám sát, vì thế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người “chấp bút”, mặc dù sau đó có những thành viên đoàn nhiệt huyết dành thời gian nghiên cứu, góp ý sửa đổi, bổ sung; cũng có thành viên không mấy nhiệt tình nghiên cứu, góp ý...

Báo cáo kết quả giám sát là kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Cho nên, dù giao cho ai “chấp bút” cũng phải phản ánh được thực tiễn. Các thành viên đoàn giám sát cần nêu cao trách nhiệm chính trị, bản lĩnh công tác, coi trọng uy tín của cá nhân và của cơ quan thực hiện giám sát để đóng góp công sức, tư duy vào báo cáo kết quả giám sát, đưa ra các đánh giá, kiến nghị xác đáng, thuyết phục, thể hiện được ý nguyện nhân dân, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, thực hiện. Tránh tình trạng báo cáo bị những người trong cuộc “cắt xén”, “viết lách” chung chung, né tránh, ngại va chạm, vì lý do nhạy cảm hay bất kỳ lý do nào khác khi giám sát.

Bảo đảm quyền lực nhân dân được thực thi

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 quy định sau khi kết thúc một cuộc giám sát, HĐND ban hành “Nghị quyết” về vấn đề được giám sát (Điều 62); Thường trực HĐND ban hành “Kết luận” giám sát đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND (Điều 71); Ban của HĐND ban hành “Báo cáo” kết quả giám sát của Ban (Điều 81). Tuy nhiên, kết luận giám sát chuyên đề của 2 cơ quan: Thường trực và Ban của HĐND ban hành theo tên loại văn bản nào thì chưa có quy định cụ thể.

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 71 của Luật không nói rõ “Kết luận” của Thường trực HĐND ban hành theo tên loại văn bản hành chính là Nghị quyết (cá biệt) hay Thông báo. Bởi vì không có tên loại văn bản “Kết luận” trong quy định pháp luật hiện hành về thể thức văn bản hành chính. Thực tiễn hiện nay,  Thường trực HĐND nhiều địa phương thường ban hành “Thông báo kết luận giám sát”, còn Ban HĐND thì ban hành “Báo cáo kết quả giám sát”, có nơi thì ban hành “Báo cáo kết luận giám sát”, không có sự thống nhất chung. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giám sát, nhất là việc bảo đảm thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát của Thường trực và các Ban HĐND đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát theo Khoản 2, Điều 89 của Luật.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định rõ: Thường trực HĐND là “cơ quan thường trực” của HĐND. Ban của HĐND là “cơ quan” của HĐND. Đã là cơ quan nhà nước thì theo lý luận tổ chức nhà nước, có tính độc lập tương đối, có trách nhiệm tham gia thực hiện các chức năng của Nhà nước, thay mặt Nhà nước đảm nhiệm một phần hay một công việc, một nhiệm vụ, được trao thẩm quyền nhất định. Đó là một loại quyền lực chính trị đặc biệt - quyền lực pháp lý - để làm phương tiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Trong đó, quyền ban hành quyết định pháp luật là yếu tố quan trọng nhất trong thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Đây là đặc trưng cơ bản để phân biệt cơ quan Thường trực, Ban của HĐND với “bộ phận thường trực” theo Luật 2003 và với tổ chức xã hội hay cơ quan khác.

Do đó, để bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền năng, nhiệm vụ và địa vị pháp lý của 2 cơ quan này, pháp luật hiện hành đương nhiên cho phép Thường trực HĐND ban hành “Nghị quyết kết luận giám sát chuyên đề”; Ban HĐND có thể ban hành “Thông báo kết luận giám sát” hoặc biểu quyết đề nghị Thường trực HĐND xem xét ban hành “Nghị quyết” về vấn đề giám sát của Ban.

Bản chất giám sát của HĐND là giám sát quyền lực, được chế tài bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát theo quy định tại Điều 89. Giám sát quyền lực khác với giám sát xã hội, do đó, không có hình thức giám sát của tổ chức xã hội nào có thể thay thế được, trừ phi pháp luật giao cho họ chức năng và quyền hạn đó.

THS.Nguyễn Vân Hậu