Kết nối cộng đồng sáng tạo

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:16 - Chia sẻ
Dù còn khá mới ở Việt Nam, những năm gần đây, các không gian sáng tạo đã tăng nhanh về số lượng và trưởng thành về chất lượng. Trong bối cảnh đó, Mạng lưới Không gian sáng tạo Việt Nam ra đời nhằm góp phần tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo lành mạnh, một cộng đồng chung tay thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Phát triển sôi động ở quy mô siêu nhỏ

Trên thế giới, các không gian văn hóa sáng tạo là ý tưởng mới, hầu hết được thành lập từ những năm đầu thế kỷ XXI. Các không gian này là một phần của cơ sở hạ tầng xã hội, văn hóa và kinh tế của nền kinh tế sáng tạo, đóng vai trò đòn bẩy. Tuy nhiên, tính chất và vai trò cụ thể của các không gian này lại khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh địa phương.

Từng nghiên cứu về không gian sáng tạo từ lúc chưa có nhiều người Việt Nam biết đến thuật ngữ này, chị Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine nhận định, sự phát triển của không gian sáng tạo ở Việt Nam rất khả quan. Nếu năm 2014, cả nước có hơn 40 không gian, thì năm 2018 đã tăng lên gấp 3 lần, đạt hơn 140 không gian, và năm 2019 có gần 200 không gian sáng tạo; luôn có những ý tưởng mới, nhóm mới được lập ra. Các địa chỉ này giúp mọi người thấy được toàn cảnh bức tranh không gian sáng tạo của Việt Nam.


Một trong những nhiệm vụ của ViCHI là kết nối các không gian sáng tạo với công chúng và khách hàng
Ảnh: Th. Nguyên

Có nhiều mô hình khác nhau, nhưng phổ biến nhất là không gian cho các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa; mô hình ươm mầm tài năng và ý tưởng kinh doanh sáng tạo kết hợp với không gian làm việc chung. Theo nghiên cứu của Dự án Không gian Văn hóa sáng tạo Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh tài trợ, công bố tháng 11.2018, đóng góp của các không gian này cũng được ghi nhận một cách tương đối đầy đủ, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, có thể làm thay đổi diện mạo của một thành phố (như Đà Nẵng), một cộng đồng vật lý (như Hanoi Creative City), hoặc một cộng đồng trực tuyến (như Hanoi Grapevine). Về dài hạn, có thể nâng cao văn hóa đọc của xã hội nói chung (đường sách, phố sách), xây dựng một thế hệ mới chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp (như Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh - TPD hoặc không gian đào tạo nghệ thuật Tý Toáy)...

Tuy nhiên, kết quả ban đầu cũng cho thấy, đa phần không gian sáng tạo tại nước ta là tổ chức siêu nhỏ, dưới 10 người. Nhiều không gian sáng tạo không có các kỹ năng kinh doanh, quản lý nhân sự, tài chính, kế toán, truyền thông, quản lý rủi ro. Vì thế, các không gian hoạt động khá bấp bênh, dựa trên thực tế thị trường còn nhỏ yếu, khả năng đem lại lợi nhuận kinh doanh khá thấp, hoặc rủi ro cao, khó thu hút nhà đầu tư. Về mặt pháp lý, các không gian văn hóa sáng tạo còn khá mới nên hệ thống pháp luật hiện hành chưa coi không gian sáng tạo là mô hình kinh doanh đặc thù, vì thế chưa có chính sách đặc thù phát triển các không gian này. Một rào cản khá lớn đối với các không gian là sự hiểu biết, nâng đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các ngành đối với không gian sáng tạo. Dù Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030, sự hiểu biết và chủ động tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong việc hiện thực hóa chiến lược này chưa rõ rệt.

Thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo

Dù có những khó khăn, nhưng cộng đồng sáng tạo nhận thức rõ xu thế tất yếu của sự phát triển các không gian - nơi mọi người gặp gỡ, tạo ra sản phẩm mới, cùng phát triển kỹ năng mới và trao đổi ý tưởng. Nhằm kết nối, thúc đẩy phát triển cộng đồng sáng tạo, cuối tuần qua, Mạng lưới Không gian sáng tạo Việt Nam - ViCHI (Vietnam Creative Hub Initiative) đã ra mắt. Các thành viên sáng lập gồm 6 không gian sáng tạo quan trọng ở cả ba miền: VICAS Art Studio, Hanoi Grapevine, Heritage Space và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Đà Nẵng Business Incubator (DNES), Saigon Innovation Hub (SiHub).

Chị Thanh Vân, điều hành ViCHI cho biết: “Được manh nha hình thành từ năm 2018, ViCHI có nguyện vọng trở thành tiếng nói đại diện cho đông đảo không gian sáng tạo Việt Nam trong các hoạt động giúp xây dựng hệ sinh thái như vận động chính sách, kêu gọi đầu tư và tài trợ, kết nối mạng lưới quốc tế, nâng cao năng lực quản lý và vận hành, quảng bá, kết nối tới công chúng và khách hàng... trong khu vực và trên thế giới thông qua các sự kiện thường niên (như tập huấn chuyên môn, trao đổi, tọa đàm); các sự kiện lưỡng niên và hoạt động kết nối với mạng lưới khu vực và quốc tế (ví dụ như Mekong Cultural Hub, European Creative Hubs Network, mạng lưới của Hội Đồng Anh...)”.

“Ở Việt Nam, các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế có nhiều kinh nghiệm làm việc với nước ngoài nhưng lại chuyên biệt, nhỏ lẻ, chưa mang tính hệ thống. Trong khi đó, trên thế giới đều có mạng lưới sáng tạo của từng quốc gia, của châu lục” - anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Heritage Space nhận định. “Chúng tôi cảm thấy có nhóm đại diện cho tiếng nói của không gian sáng tạo là cần thiết. Mạng lưới được thành lập với mong muốn hỗ trợ nghệ sĩ, người làm kiến trúc, âm nhạc, biểu diễn... đang tản mát có thể kết nối với nhau; giúp tiếng nói cộng đồng sáng tạo trở nên rõ ràng đến với nhà nước, doanh nghiệp, người dân và quốc tế...”.

Mạng lưới kết nối chặt chẽ các không gian sáng tạo, thúc đẩy phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước là mong muốn của các thành viên. Chị Bùi Thu Hiền, Giám đốc Kinergie Studio chia sẻ: “Các thành viên thấy rõ cần cùng nhau phát triển cộng đồng không gian sáng tạo, vì các loại hình nghệ thuật đều có tương tác, kết nối với nhau. Chúng tôi mong muốn ViCHI phát triển để tăng cường sức mạnh của không gian sáng tạo, làm cho môi trường phát triển không gian sáng tạo thuận lợi, cởi mở hơn, lan tỏa tiếng nói của các không gian sáng tạo đến cộng đồng”.

Thảo Nguyên