Kết nối nguồn vốn với nhu cầu

- Thứ Năm, 27/06/2019, 07:09 - Chia sẻ
Việt Nam cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong khi ngân sách công chưa đủ để đáp ứng nhu cầu này thì “trên toàn cầu, hàng nghìn tỷ USD vẫn đang tìm điểm đến cho các khoản đầu tư dài hạn và ổn định”, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nói trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra tại Hà Nội sáng 26.6. Vấn đề là làm thế nào kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam?

VBF giữa kỳ năm nay có chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”. Chia sẻ trong phần phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực, quan tâm đến nhiều vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc. Tuy nhiên, nỗ lực từ một phía là chưa đủ. Chính phủ cần cộng đồng doanh nghiệp tham gia chủ động, tích cực trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh.


Toàn cảnh diễn đàn

Cần thêm vốn tư nhân cho cơ sở hạ tầng

Chủ tịch Amcham Amanda Rasmussen cho rằng, cơ sở hạ tầng và năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm duy trì tăng trưởng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của VBF, hiện trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ “cải thiện một chút” trong chục năm qua. Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018, bảng xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam (trong số 140 nền kinh tế được nghiên cứu) từ vị trí 93 năm 2008 đã nhích lên thứ 75 năm 2018. Trong đó, cơ sở hạ tầng đường bộ đạt được rất ít thành công, còn nước và điện được xếp hạng tốt tương đương với các nước phát triển hơn như Thái Lan.

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong những năm gần đây và đô thị hóa ngày càng tăng đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải phát triển hơn nữa. Báo cáo Triển vọng Hạ tầng Toàn cầu chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính Việt Nam cần trung bình ít nhất 16,7 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2025 để tài trợ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong khi dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là 25 tỷ USD. “Nhưng nợ công đã và đang chạm đến mức trần do Việt Nam đặt ra. Điều này có nghĩa là để phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, sẽ cần thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân để tài trợ cho các dự án”, ông Tony Foster, Trưởng Nhóm công tác cơ sở hạ tầng nói.

“Trong khi nguồn ngân sách công của Việt Nam chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng thì trên toàn cầu, hàng nghìn tỷ USD vẫn đang tìm điểm đến cho các khoản đầu tư dài hạn và ổn định”, Chủ tịch Amcham nói. Nếu kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu của Việt Nam sẽ giúp tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và hành khách, nâng cao năng suất, uy tín, từ đó tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vấn đề là làm thế nào có thể kết nối?

“Các doanh nghiệp thành viên của AmCham hy vọng Chính phủ sẽ thiết lập cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng”, bà Amanda Rasmussen đề xuất. Bên cạnh đó, để duy trì tính bền vững, Việt Nam phải bảo đảm cảng biển và cảng hàng không nằm ở vị trí thuận tiện cho các khu vực dân cư nhưng không quá gần đến mức tạo ra áp lực giao thông ngày càng tăng do xu hướng đô thị hóa nhanh chóng.

Theo ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), có 2 “di sản lớn” trong quá khứ cần phải được vượt qua đối với PPP. Một là, cần minh bạch rằng các dự án PPP là sự phối hợp giữa khu vực công và tư, không phải là dự án của Chính phủ, vì vậy các dự án này chủ yếu tuân theo các quy định pháp luật thông thường. Quan niệm thứ hai cho rằng cái gì không được quy định thì sẽ không tồn tại và làm giảm phạm vi các doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề, vì vậy cần được giảm thiểu. “Khi Việt Nam ngày càng phát triển, vai trò của Nhà nước cần được thể hiện rõ hơn trong việc định hướng, tạo điều kiện và giám sát các hành vi tốt của tất cả các bên tham gia thay vì trực tiếp thực hiện hầu hết các công việc”, Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) mong muốn Chính phủ làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ để họ có thể thu hồi vốn an toàn đối với các dự án PPP. Còn Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) kỳ vọng vào sự cải thiện môi trường cơ sở hạ tầng. Đã có trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chính sách phát triển Khu công nghiệp của chính quyền địa phương rồi đầu tư, sau đó gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh do sự thay đổi chính sách phát triển, ông Kim Han Yong, Chủ tịch KoCham cho biết.


Dự kiến nước ta cần hơn 600 tỷ USD để đạt các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040
Nguồn: ITN

Nên chấm dứt chọn nhà đầu tư dựa vào giá

Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng khẳng định: Vốn tư nhân sẽ chỉ huy động được nếu có các điều kiện phù hợp và đề xuất 4 hành động để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Đầu tiên là tránh việc lựa chọn nhà đầu tư chỉ dựa vào mức giá. Nhóm Công tác cho rằng, hiện nay, trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như giao thông, xử lý chất thải và sản xuất điện, các nhà đầu tư đưa ra chào giá tốt nhất sẽ được lựa chọn, thay vì tính đến năng lực kỹ thuật và tài chính thực sự của nhà đầu tư. Thực tiễn này dẫn đến hệ quả là các nhà đầu tư “giá rẻ” sau được lựa chọn thường yêu cầu tăng chi phí đầu tư lên nhiều lần ở các giai đoạn sau của dự án vì giá chào ban đầu thường không đủ. Chính phủ khi đó rất khó từ chối yêu cầu này vì vào thời điểm đó các dự án đều đã trong quá trình xây dựng dở dang. Chưa kể, giá rẻ thường đi đôi với công nghệ chất lượng thấp hơn và thiếu các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đã đến lúc Chính phủ cần xem xét chấm dứt việc lấy mức giá là tiêu chí quan trọng trong lựa chọn nhà đầu tư. Thay vào đó Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư có uy tín cam kết xây dựng được các công trình cơ sở hạ tầng có chất lượng cao với tác động tối thiểu đến môi trường, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng khuyến nghị.

Tiếp đó là tạo ra các điều kiện phù hợp để thu hút các nhà đầu tư uy tín. Cụ thể, tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư cần được cải thiện để các nhà đầu tư có sự yên tâm và niềm tin khi tham gia đấu thầu dự án. Theo Nhóm công tác này, việc thiếu minh bạch khi giao dự án và lựa chọn nhà đầu tư cũng khiến các nhà đầu tư có uy tín e ngại khi tham gia đấu thầu. Một ví dụ điển hình là các dự án đường bộ đổi đất lấy hạ tầng (BT). Do việc kiểm soát chi phí đầu tư các dự án đường bộ BT không được minh bạch, nhà đầu tư thường được hưởng lợi từ việc được cấp phép các dự án thương mại có giá trị cao hơn chi phí đầu tư thực tế của dự án BT.

Nhóm Công tác cũng cho rằng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn được dành riêng để hỗ trợ các dự án quan trọng trong các lĩnh vực rủi ro cao. Hiện nay, vốn nhà nước hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng vẫn bị coi là vốn đầu tư công nên không có sự độc lập và rõ ràng về ngân sách cụ thể.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là khung pháp lý cho phát triển cơ sở hạ tầng phải được cải thiện để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng dự án luật đầu tư theo hình thức PPP, Nhóm công tác cơ sở hạ tầng và cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra nhiều khuyến nghị về các nội dung của dự luật.

Hà Lan