Khai mạc cuộc thi Giải thưởng sáng chế trẻ Quốc tế lần thứ 6

- Thứ Tư, 09/10/2019, 16:04 - Chia sẻ
Ngày 9.10, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp với Hiệp hội Sáng chế và thúc đẩy sáng tạo Indonesia đã tổ chức Cuộc thi Giải thưởng sáng chế trẻ Quốc tế lần thứ 6. Cuộc thi thu hút sự tham gia của 1.200 người với 250 phát minh, sáng chế đến từ gần 20 quốc gia trên 5 châu lục.

Tiết mục văn nghệ chào mừng của Đoàn Indonesia

Tham gia Cuộc thi lần này, Đoàn Việt Nam do Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) Trần Thị Thanh Thảo làm trưởng đoàn đã mang đến 3 sáng chế dự thi gồm: Hệ thống hãm thang máy rơi tự do; Hệ thống tự động điều hướng bình nóng lạnh năng lượng mặt trời và Hệ thống Camera thông minh cảnh báo cháy sớm. Các sáng chế do các em học sinh của trường THCS Trưng Vương và các cựu học sinh THCS Trưng Vương đang theo học tại THPT chuyên Amsterdam, THPT Thăng Long, THPT Việt Đức và THPT Chu Văn An Hà Nội thực hiện; dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo: Nguyễn Kiêm Tuấn, Phan Anh, Trần Thị Thu Hà (THCS Trưng Vương) và Nguyễn Bích Huyền (ĐH Bách Khoa Hà Nội). Đây là những sáng chế thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao và dựa trên nền tảng khoa học cơ bản của nhiều ngành khoa học như trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử và hóa, lý…


Ban Tổ chức và Trưởng các đoàn tham dự cuộc thi cắt băng khai mạc

Theo đại diện Ban tổ chức, đây là hoạt động thường niên của Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới dành cho các em học sinh từ bậc tiểu học đến đại học đam mê nghiên cứu khoa học; các doanh nghiệp khởi nghiệp và các viện nghiên cứu. Cuộc thi nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh thiếu niên; tăng cường nhận thức về sở hữu trí tuệ; trao đổi chuyển giao công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ; tăng cường đổi mới sáng tạo và khích lệ tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của các em. Các sáng chế sẽ được Ban giám khảo là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trên thế giới chấm theo tiêu chí: trình độ sáng tạo; tính mới; khả năng áp dụng và khả năng thương mại hóa.


Đoàn Việt Nam hội ý kỹ thuật trước giờ thi

Nhóm 2 thuyết trình sản phẩm trước giám khảo

TS. Phan Quốc Nguyên – người có 10 năm tham gia với tư cách giám khảo cho các chuỗi sự kiện do Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức cho biết, các sản phẩm dự thi mang tính sáng tạo ứng dụng cao. Đặc biệt, thông qua các sản phẩm này giúp cho học sinh, giáo viên, các nhà nghiên cứu cập nhật các công nghệ mới cũng như xu thế phát triển của lĩnh vực khoa học, công nghệ trên thế giới. Cuộc thi cũng tạo ra một mạng lưới sáng tạo trẻ trên toàn cầu; tạo sân chơi cho giới trẻ và những người yêu thích sáng tạo, nghiên cứu; đồng thời giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.


Các nhà sáng chế trẻ tham quan gian trưng bày sản phẩm của Nhóm 3

Đoàn Việt Nam trước giờ thi

Chia sẻ với báo giới, nhà giáo Trần Thị Thanh Thảo cho biết, THCS Trưng Vương đã tham gia rất nhiều cuộc thi nghiên cứu khoa học, song đây là lần đầu tiên nhà trường tham dự Cuộc thi này. Điểm mới và hấp dẫn của Cuộc thi là đề cao tính thực hành, sáng tạo; giúp học sinh phát huy tối đa năng lực sáng tạo và đánh trúng vào tâm lý ưa khám phá của học trò. “Tôi nghĩ, đến với Cuộc thi là 9 em trong Đoàn không chỉ thể hiện sự tự tin trong việc chinh phục khoa học, công nghệ mà quan trọng hơn, các em đã chiến thắng chính mình, hòa nhập nhanh vào sân chơi Quốc tế, để lại nhiều thiện cảm trong mắt bạn bè 5 châu. Với vai trò là một người lãnh đạo một cơ sở giáo dục, tôi mong muốn sẽ có nhiều trường được tiếp cận và tham gia sân chơi bổ ích này.” – bà Thảo nói.

Đức Kiên