Quảng Ninh phát triển chương trình OCOP theo chiều sâu

Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng

- Thứ Hai, 27/08/2018, 07:22 - Chia sẻ
Giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Ninh tập trung đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Công thương NGUYỄN MẠNH HÀ cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là chất lượng.

Chuyển từ “lượng” sang “chất”

- Từ thực tiễn triển khai cho thấy, chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh Quảng Ninh đang đi vào chiều sâu, bài bản hơn. Phải chăng chuyển biến này có được nhờ những đổi mới mang tính căn bản trong chỉ đạo và tổ chức chương trình, thưa ông?

 “Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 32 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại các cửa hàng OCOP để có giải pháp, thay đổi cho phù hợp. Cùng với đó, người bán hàng cũng phải được đào tạo phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn”.

Giám đốc Sở Công thương NGUYỄN MẠNH HÀ

- Đúng vậy! Bước vào giai đoạn 2, OCOP đã trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Quảng Ninh. UBND tỉnh đã nâng cấp hệ thống tổ chức thực hiện chương trình từ Ban Điều hành thành Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn. Các sản phẩm OCOP được tổ chức quản lý theo hệ thống, từng bước, từng khâu trên cơ sở tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo của nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX. Đặc biệt, trong giai đoạn này, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan, tạo sự hào hứng, đồng lòng trong thực hiện . 

Một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là chất lượng. Do đó, để thắt chặt quản lý chất lượng sản phẩm, từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị chức năng đã tập trung cấp và quản lý nhãn hiệu OCOP trên tem, nhãn sản phẩm. Đồng thời, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý qua hệ thống tem điện tử thông minh, hạn chế việc lợi dụng thương hiệu OCOP để kinh doanh các sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn. Qua đó, chuyên nghiệp hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hướng tới xuất khẩu.


 

- Khi mở rộng thị trường, việc bảo đảm sản lượng và nguồn hàng rất quan trọng. Liệu các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh có đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu lớn, thưa ông ?

- Chúng ta phải hiểu một cách sâu sắc rằng, phát triển chuyển từ “lượng” sang “chất” không đơn thuần tập trung vào chất lượng, mà là những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, mang đặc trưng của địa phương. Thực tế, một số sản phẩm thủy sản của Quảng Ninh đáp ứng tốt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa tỉnh đã bằng lòng, chúng tôi đã và đang tiếp tục có những thay đổi. Trong đó, tập trung liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, tập trung vào khâu chế biến, chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Đạt không dễ, giữ càng khó

- Xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng gìn giữ và phát triển thương hiệu đó còn khó hơn; tỉnh Quảng Ninh đã có những chiến lược cụ thể nào cho vấn đề này, thưa ông?

- Phải khẳng định rằng, xây dựng thương hiệu rất khó, đặc biệt là mang tầm quốc gia, nhưng đánh mất thương hiệu lại rất nhanh. Xây dựng thương hiệu theo kiểu phong trào thì không thể bền được. Ví dụ, thương hiệu rượu ba kích của Quảng Ninh vốn ngon và nổi tiếng, nhưng hiện nay Ba Kích xuất hiện ở rất nhiều nơi. Như vậy, cuộc cạnh tranh trong cơ chế thị trường, mỗi địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất phải làm thế nào để thương hiệu của mình hơn hẳn người khác, bền bỉ và đáp ứng ngày cao yêu cầu của người tiêu dùng?

Hiện nay, một số cơ sở sản xuất kinh doanh, người làm nghề chưa nhận thức và quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Do đó, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về xây dựng và phát triển thương hiệu. Từ đó đưa sản phẩm của Quảng Ninh có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

- Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát triển thương hiệu, ngành công thương thời gian tới sẽ có giải pháp nào để thúc đẩy sự phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, thưa ông?

- Có thể khẳng định, một trong những mô hình phát triển thương hiệu mang lại hiệu quả thời gian qua là các hội chợ chuyên đề của OCOP. Bởi, muốn có sức lan tỏa, muốn có thương hiệu thì phải bảo đảm đầu ra, các hội chợ chuyên đề của tỉnh đã giúp doanh nghiệp và nông dân không mất nhiều công sức quảng cáo mà trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, sát thực nhất. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá thông qua các hội chợ trong nước và quốc tế, tổ chức tuần hàng OCOP tại các địa phương. Đồng thời, tổ chức các hội chợ tại Quảng Ninh và mời các địa phương tham gia, quảng bá sản phẩm.

- Xin cảm ơn ông!

ĐÀO CẢNH thực hiện