Khẳng định vị thế và uy tín của ngoại giao nghị viện

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:16 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã có một năm rực rỡ trên cả phương diện song phương và đa phương. Điều đó chứng tỏ, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Triển khai chủ động, hiệu quả


Những kết quả đáng tự hào trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm qua, cùng với thành công của Hội nghị APPF-26 sẽ là động lực để Việt Nam thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế trong năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
 Nguyễn Văn Giàu

Năm 2017, tình hình an ninh, chính trị nhiều nơi trên thế giới diễn biến phức tạp, đã tác động đến việc điều chỉnh chính sách đối ngoại và đối nội của các nước. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu về tăng trưởng và liên kết so với các khu vực khác trên thế giới. Các nước trong khu vực đều cam kết mạnh mẽ, chủ động thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực.

Với Việt Nam, thành công trọn vẹn và tốt đẹp của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng một lần nữa khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc góp phần định hình, dẫn dắt tương lai các thể chế đa phương ở khu vực, nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên. Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên APEC đã thông qua Chương trình hành động phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội cùng với những cam kết tự do hóa thương mại, đầu tư và thịnh vượng khu vực; thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đặc biệt, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC này, 11 nước tham gia đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP).

Có thể thấy, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai một cách chủ động, hiệu quả, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, Nhà nước, QH và Nhân dân.

Những con số biết nói

Với ngoại giao nghị viện, 2017 có thể nói là năm kỷ lục về hoạt động đối ngoại của QH nước ta trong những năm gần đây. Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH và các cơ quan của QH đã đón tiếp tổng cộng 41 đoàn nghị sĩ các nước thăm, làm việc tại Việt Nam, tăng 17 đoàn so với năm 2016. Trong đó, có 15 đoàn cấp Chủ tịch QH, 3 đoàn cấp Phó Chủ tịch QH và nhiều đoàn cấp Ủy ban của QH. Những con số ấn tượng này cho thấy mong muốn của Lãnh đạo Nghị viện các nước trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là QH Việt Nam, nhằm mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch... mang lại lợi ích chính đáng cho cả hai bên.

QH nước ta cũng đã cử các đoàn cấp Chủ tịch, Phó Chủ tịch QH dẫn đầu và các đoàn cấp Ủy ban thăm chính thức, thăm làm việc tại các nước, các khu vực. Việc trao đổi đoàn các cấp qua kênh ngoại giao nghị viện trong năm qua đã đạt được những kết quả thực chất, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những hoạt động đối ngoại nổi bật trong năm 2017 là chuỗi sự kiện do QH nước ta chủ trì tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2017), 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6.1967 - 24.6.2017). Đây là năm có nhiều hoạt động sôi động trong quan hệ giữa QH Việt Nam với QH Lào và QH Việt Nam với Thượng viện, QH Campuchia, thể hiện sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết gắn bó, sự ủng hộ và giúp đỡ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân hai nước Lào và Campuchia. Qua đó, tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa nước ta với Lào, Campuchia.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hungari Kover Laszlo trao đổi bên lề Hội thảo xây dựng pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế của Quốc hội hai nước, trong chuyến thăm Hungari từ ngày 8 - 11.4.2017
Ảnh: Trọng Đức

Quan hệ giữa QH nước ta và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc tiếp tục được củng cố. Việc Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc và cùng dự khánh thành Cung hữu nghị Việt - Trung khẳng định vai trò của QH đóng góp vào sự ổn định, hợp tác phát triển của hai nước.

Tại châu Âu, trong nhiều chuyến thăm trao đổi đoàn các cấp giữa QH nước ta với nghị viện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu, nổi bật là chuyến thăm Thụy Điển, Hungary, Cộng hòa Séc của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 4.2017. Chuyến thăm đã đạt kết quả thiết thực, không những làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa QH nước ta với cơ quan lập pháp ba nước trong tổng thể quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với ba nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện các nước này thúc đẩy EU sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa nước ta và EU nói chung.

Bên cạnh đó, QH nước ta còn tiếp tục quan tâm phát triển quan hệ với các nước khu vực Mỹ Latin, đặc biệt là Cuba; các khu vực châu Phi và Trung Đông.

Năm 2017, QH Việt Nam cũng đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế quan trọng, với phương châm tích cực, chủ động, trách nhiệm. Trong đó, nổi bật là sự tham gia của QH Việt Nam tại Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Đại hội đồng IPU-137 và các Hội nghị liên quan tại Liên bang Nga (14 - 18.10.2017). QH Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại TP Hồ Chí Minh (11 - 13.5.2017) với sự tham dự của Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, nhiều Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nghị viện và gần 130 đại biểu đến từ Nghị viện của 23 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, các tổ chức quốc tế... Hội nghị đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với các đại biểu tham dự; đồng thời, phát đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế chung tay hỗ trợ lẫn nhau vì tương lai phát triển bền vững.

Lòng tin dành cho Việt Nam ngày càng cao

Mục đích cuối cùng của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước là nhằm nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2017, hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước trên cả 4 trụ cột Đảng, Nhà nước, QH và Nhân dân đã đáp ứng được mục đích này. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển của đất nước, hoạt động đối ngoại của QH tiếp tục khẳng định là một kênh ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước. Với vai trò đó, hoạt động đối ngoại QH Việt Nam đã có một năm thành công rực rỡ trên cả phương diện song phương và đa phương. Điều đó chứng tỏ rằng, lòng tin của các nước trong khu vực và quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng cao.

Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đến Australia cuối năm 2017, các nhà lãnh đạo Australia đã đánh giá Việt Nam là đất nước đầy tiềm năng để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Toàn quyền Australia Peter Cosgrove đã chia sẻ, mong đợi Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược từ rất lâu. Với việc hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm Đối tác chiến lược (dự kiến vào tháng 3.2018), chắc chắn lòng tin giữa Việt Nam và Australia sẽ cao hơn nữa và hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa… cũng sẽ tăng rất nhanh. Tại tiệc chiêu đãi Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, do Chính phủ Australia tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm này, Thứ trưởng Ngoại giao Australia cũng khẳng định, Australia hoàn toàn chủ động chọn Việt Nam làm Đối tác chiến lược. Câu nói này thể hiện lòng tin rất lớn mà Australia dành cho nước ta, hơn nữa, cũng cho thấy Australia nhìn thấy lợi ích rất lớn khi quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Rõ ràng, lòng tin mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam có được từ nhiều mặt, trong đó, quan hệ ngoại giao là kênh để chúng ta truyền tải hình ảnh và thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động và là đối tác tin cậy tới bạn bè quốc tế.

Dự cảm tốt lành

Bước sang năm 2018, QH Việt Nam khởi đầu bằng việc đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), từ ngày 18 - 21.1. Được thành lập năm 1993, Diễn đàn APPF với 27 Nghị viện thành viên, trong đó có nhiều nước lớn và có tiếng nói quan trọng trong quan hệ quốc tế như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Australia… nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa, góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Diễn đàn APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn APEC. Việc QH nước ta lần thứ hai chủ trì tổ chức thành công Hội nghị thường niên APPF, với nhiều kết quả tốt đẹp, tiếp tục cho thấy uy tín, vị thế ngày càng được nâng lên của QH và của Việt Nam tại các cơ chế đa phương khu vực, quốc tế. Có thể nói, đây là sự kiện đối ngoại quan trọng và lớn nhất trong năm đối với không chỉ QH mà cả đất nước. 

Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại