Khát vọng Cao Bằng

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:40 - Chia sẻ
Bác đi... Di chúc giục lòng ta Cho cả muôn đời một khúc ca Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn Và tình thương, ơn nghĩa bao la… Thoảng trong cái se se lạnh của tiết thu nơi vùng đất biên cương, những câu thơ sâu lắng của Tố Hữu càng làm cho hàng triệu triệu trái tim thêm thổn thức và trào dâng nỗi nhớ vị lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh… Trong suốt chặng đường dài phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng luôn kiên trung đi theo đường lối của Đảng và quyết tâm thực hiện thắng lợi những nội dung, giá trị cốt lõi trong Di chúc thiêng liêng của Người.

Dấu ấn nơi cột mốc linh thiêng

Ngược cung đường từ Hà Nội, sau hơn nửa ngày chênh vênh vượt qua những “bước đá, bước mây” chúng tôi cũng đã đến được vùng đất phên dậu của Tổ quốc, được chạm tay vào Cột mốc 108 - nơi chứng kiến thời khắc quan trọng vào mùa xuân năm 1941, khi cả đất trời Cao Bằng “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ” đã đón người lãnh tụ của dân tộc trở về sau “Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi!”. Từ đây, dưới chân cột mốc linh thiêng, Bác đã lựa chọn Pác Bó (Hà Quảng) nói riêng và Cao Bằng nói chung trở thành đại bản doanh của chiến khu Việt Bắc và góp phần viết nên trang sử vẻ vang, hào hùng cho dân tộc.

Dẫu gần 8 thập kỷ đã trôi qua, hình ảnh người lãnh tụ vĩ đại mà bà con nơi đây thường gọi với cái tên thân mật là Già Thu hay Ông Ké vẫn khắc khoải trong từng hơi thở, nhịp đập của vùng đất này. Từ ngày được gánh trên vai “sứ mệnh lịch sử” quan trọng, dẫu “cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc” nhưng nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh vẫn luôn ý thức được rằng, bảo vệ an toàn mọi hoạt động và chỗ ở của Bác Hồ cũng là bảo đảm an toàn cho đại bản doanh của cách mạng. Tình cảm sắt son của người dân đã được Bác ghi nhận trong một bức thư gửi đồng bào Cao Bằng: “… Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo, có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng…”.

Để rồi, sau này đúng tròn 20 năm sau, cũng đúng vào mùa Xuân năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng và Người xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”. Đó cũng chính là lần cuối cùng Bác đặt chân đến vùng đất phên dậu của Tổ quốc, bởi ngày 2.9.1969, Bác Hồ vĩnh biệt nhân dân, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế “Như thế, Người đi... Phút cuối cùng/ Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung/ Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau, để nhớ chung”…

Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Trung ương, 50 năm qua, Cao Bằng đã tổ chức thực hiện Di huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh và xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, các dân tộc trong toàn tỉnh. Qua đó, từng bước củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực mới trong thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp… Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê vui mừng: Với hành trình 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng anh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 27 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Đặc biệt, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp 520 năm thành lập tỉnh. “Năm thập kỷ đã trôi qua, những lời Di huấn thiêng liêng của Người vẫn luôn đồng hành, soi rọi, dẫn dắt cả hệ thống chính trị trong suốt chặng đường xây dựng và kiến tạo quê hương; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ…” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê nhấn mạnh.


Cao Bằng quyết tâm thực hiện thắng lợi những nội dung, giá trị cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 
 Ảnh: Ng. Ánh

Quyết tâm thực hiện tốt Di chúc thiêng liêng của Người

Đúng như lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với Cao Bằng - nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc... Để xứng đáng với niềm tự hào ấy, trong những năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện những nội dung cốt lõi trong bản Di chúc của Người bằng những hành động cụ thể. Minh chứng cho điều này là sự đổi thay của Hà Quảng. Như chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Bế Đăng Khoa: Bằng những chính sách thiết thực, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57,71% năm 2016 (4.554 hộ nghèo) xuống còn 41,15% năm 2018 (còn 3.346 hộ nghèo). Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào nghèo và bà con vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ Hà Quảng, trở lại thành phố trẻ Cao Bằng, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của mảnh đất mà người dân vẫn thường gọi là thành phố ba mặt tam giang này. Chị Lê Thị An (phường Hợp Giang) không giấu nổi niềm vui: Với những nỗ lực của chính quyền, sự đồng lòng và chung sức của người dân, nay trên địa bàn đã có nhiều công trình được xây mới, nâng cấp và mở rộng quy mô; cảnh quan sạch đẹp, không gian trải dài hơn với những khu đô thị mới như: Gia Cung - Nà Cáp, Đề Thám, Sông Bằng… Bà con rất phấn khởi!

 Thực tế, trong suốt chặng đường dài phát triển, nhất là qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên bước đường khẳng định mình, Cao Bằng đã tự đúc rút công thức để tạo nên đột phá đó chính là: “8 lợi thế, 3 điểm nghẽn và 3 đột phá chiến lược”. Trong đó, 8 lợi thế được tỉnh chú trọng có thể kể đến là: Truyền thống cách mạng; những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt là có đường biên giới trên bộ dài trên 333km tiếp giáp với thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc… Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đánh giá: Từ việc xác định rõ kịch bản phát triển, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có nhiều gam màu sáng, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Chỉ tính trong giai đoạn từ 2011 - 2019, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì hơn 7%/năm.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa thu hút được nhiều dự án có năng lực sản xuất lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn… “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện tốt Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm các giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ 3 điểm nghẽn (giao thông, du lịch - dịch vụ, nguồn nhân lực). Đồng thời, sẽ huy động các nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược; khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên trong nhân dân để xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động và phát triển, giữ vững vị trí chiến lược trọng yếu nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc”, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết.

Ghi chép của BÁCH HỢP - DIỆP ANH