Thực hiện tổng thể nội dung Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Khó đạt mục tiêu nếu không bố trí nguồn lực tương xứng

- Thứ Bảy, 20/06/2020, 16:58 - Chia sẻ
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 khác với hai chương trình MTQG hiện nay. Đây là chương trình có tính tổng thể, mục tiêu chương trình lớn. Vì vậy, cần xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể phù hợp; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá và huy động nguồn lực lớn hơn để đạt được các mục tiêu đề ra.

Đó là chia sẻ của Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đánh giá đúng thực trạng vùng đồng bào DTTS và miền núi

- Thưa bà, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, tiếp nối sự quan tâm đến các chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, Quốc hội đã dành nhiều thời lượng thảo luận về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Xin bà cho biết tầm quan trọng của Chương trình này?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan  

 Ảnh: M.TUÂN

- Có thể khẳng định, thời gian qua, Quốc hội đã rất quan tâm đến chính sách dân tộc. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho vùng khó khăn nhất - chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất - phát triển chậm nhất - tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất - tỷ lệ hộ nghèo cao nhất hiện nay. Những ngày qua, đông đảo dư luận, cử tri tiếp tục dành sự quan tâm, theo dõi diễn biến về Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV. Trong đó, có nội dung thảo luận về “Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Việc Chính phủ nhanh chóng xây dựng hồ sơ, tờ trình đã kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về  phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS và là giải pháp quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.

- Theo dõi Tờ trình về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ trình tại kỳ họp này, những nội dung nào khiến bà quan tâm nhất?

- Theo tôi, trước hết cần xác định rõ tiêu chí, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Phải đánh giá đúng thực trạng của vùng đồng bào DTTS, miền núi để làm rõ các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi đang cần gì, đang yếu ở lĩnh vực nào? Chính phủ cần sớm hoàn thành và ban hành Bộ tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học và phù hợp, làm cơ sở xác định vùng, xã, thôn được thụ hưởng chương trình. Đồng thời, cần lấy ý kiến các địa phương về đánh giá thực trạng vùng đồng bào DTTS và bộ tiêu chí phân định. Từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục. Việc đánh giá đúng thực trạng của chủ thể thụ hưởng chính sách ở từng thôn, xã, từng khu vực địa lý cũng sẽ là cơ sở để loại trừ cách đánh giá cào bằng, đồng đều mà chúng ta vẫn mắc phải trước đây. Vấn đề nữa, đó là xác định lộ trình để thực hiện các đề án, dự án nằm trong Chương trình. Chính phủ đã xây dựng 10 dự án thành phần, 11 tiểu dự án nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 88/2019/QH14 đã đề ra. Muốn như vậy, phải rà soát một cách tổng thể mục tiêu để ưu tiên nguồn lực; xác định các nhiệm vụ, chỉ tiêu phù hợp với từng giai đoạn chứ không thể dàn đều thực hiện tất cả.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tiếp xúc cử tri là người DTTS huyện Ba Chẽ  

 Ảnh:  Quang Minh

Quan tâm bố trí nguồn lực đúng, đủ, kịp thời để thực hiện

- Chính phủ đã đưa ra lộ trình hai giai đoạn thực hiện Chương trình MTQG này với thời gian 10 năm nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn. Theo bà, trong giai đoạn đầu (2021-2025) được coi là giai đoạn nền móng quyết định đến kết quả thực hiện ở giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần tập trung tạo đột phá ở lĩnh vực nào? 

- Nhìn một cách tổng thể, lực cản lớn nhất để vùng DTTS và miền núi vươn lên chính là sự yếu kém về hạ tầng thiết yếu, trong đó có hạ tầng giao thông. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó, có hạ tầng giao thông. Qua đó, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi tăng gấp hai lần so với năm 2020. Có hạ tầng giao thông tốt sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; nếu sản phẩm nông, lâm nghiệp sản xuất, chế biến ở vùng sâu vùng xa mà đường sá đi lại khó khăn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ được, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Giải quyết được vấn đề hạ tầng, các vùng, các địa phương sẽ có điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một nội dung nữa không thể thiếu đó là cần tiếp tục duy trì thực hiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên cho người DTTS như: Hỗ trợ giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Quan trọng hơn cả, đó công tác tổ chức thực hiện. Bởi, nếu chính sách, nguồn lực tốt mà tổ chức thực hiện không được thì kết quả cũng hạn chế, manh mún. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương mà không có sự chủ động, cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện thì cũng không mang lại hiệu quả. Do vậy, đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh cần phải chủ động trong tổ chức thực hiện mới đạt kết quả tốt.

- Thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín về Tờ trình của Chính phủ, đã có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm đến bố trí nguồn vốn đúng, đủ, kịp thời để thực hiện hiệu quả. Xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Về nguồn vốn, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, nếu cần thiết có thể phải nâng mức ngân sách bố trí cho chương trình. Thứ hai, chúng ta phải có các giải pháp để huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội. Chẳng hạn như: Vấn đề nhà cho đồng bào thì nên đặt mục tiêu xã hội hóa. Bởi, hiện nay có rất nhiều tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, kể cả người dân cũng đã và đang sẵn lòng chung tay cùng Đảng và Nhà nước. Nếu triển khai chủ trương huy động đúng đắn, tôi tin rằng sự vào cuộc của toàn xã hội sẽ giúp giảm rất nhiều áp lực lên ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên khuyến khích để UBND cấp tỉnh chủ động ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nếu địa phương có thể cân đối được ngân sách, thậm chí có điều kiện để bố trí ngân sách cao hơn thì cũng nên khuyến khích. Như vậy, sẽ có những địa phương có khả năng về đích sớm.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

MẠNH TUÂN thực hiện