Nhịp cầu

Khó giải quyết ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy

- Thứ Ba, 19/05/2020, 14:56 - Chia sẻ
Tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch từ lâu đã là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Trước kiến nghị của cử tri quận Cầu Giấy, huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên đề nghị thành phố có kế hoạch cải tạo, xử lý ô nhiễm, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết: Trong những năm vừa qua, để giải quyết tình trạng ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (LVSNĐ) nói chung và sông Tô Lịch nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường LVSNĐ, đoạn chảy qua địa phận Hà Nội, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về chủ trương, chính sách, kỹ thuật - hạ tầng và tập trung nguồn lực.

Cụ thể, triển khai đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm sông và cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước sông. Đồng thời, tăng cường tổ chức, vận động nhân dân tham gia tổng vệ sinh dọc tuyến đường bờ sông Tô Lịch và Kim Ngưu; tổ chức thu gom phế thải, nạo vét lòng sông; xử lý các trường hợp vi phạm hệ thống thoát nước đô thị, hành vi đổ trộm phế thải từ công trình xây dựng. Đã hoàn thành việc kè bờ và đường dạo 2 bên sông Tô Lịch, triển khai thả 38 cụm bè thủy sinh trên sông Tô Lịch từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi, nhằm tạo cảnh quan và góp phần cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.

UBND thành phố đã có chỉ đạo tại Thông báo số 308/TB-UBND ngày 22/8/2016 v/v công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn Thành phố; Văn bản số 7293/UBND-ĐT ngày 26.12.2016 v/v lắp đặt máy sục khí, bè thủy sinh, nạo vét đáy hồ để tăng cường khả năng duy trì chất lượng hồ sau xử lý, tạo cảnh quan trên hồ (bao gồm hồ nội thành và ngoại thành) giao Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội thực hiện. Bên cạnh đó, vận hành thường xuyên đối với 8 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) hiện có trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại các sông nội thành, trong đó có sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội đã lập Quy hoạch và triển khai Quy hoạch thoát nước thành phố; ưu tiên nguồn lực tập trung cho xử lý ô nhiễm tại các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…với mục tiêu thoát nước phù hợp với cải thiện môi trường và bảo vệ cảnh quan hai bên bờ sông, bảo đảm dòng chảy vào mùa khô. Phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ trên địa bàn tỷ lệ 1/500; chỉ đạo, xử lý kiên quyết vi phạm pháp luật về đất đai (lấn chiếm lòng sông, hành lang sông).

UBND thành phố cũng đã quan tâm đầu tư cải tạo hệ thống công trình thủy lợi, cống lấy nước, tiêu thoát nước, các trạm bơm tưới, tiêu và nạo vét sông. Trong đó, có Dự án “Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì”. Dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6.10.2010. Hiện nay, đang triển khai thi công giai đoạn 1 (từ sau cống đầu mối Thuần Mỹ huyện Ba Vì đến Cầu Trắng, thị xã Sơn Tây dài 27,6km). Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào năm 2019.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã được các cơ quan chức năng tăng cường thúc đẩy nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự án (cơ sở) trên địa bàn. Đối với từng vụ việc, đơn vị cụ thể, Sở TN - MT và các cấp đã báo cáo UBND thành phố và kiến nghị các biện pháp xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, đại diện UBND thành phố cũng thừa nhận, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy là việc làm khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành. Do đó, cần sự đầu tư lớn và phải được giải quyết từng bước, đồng bộ và sự ủng hộ cao của các cấp, các ngành đặc biệt là nhân dân trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Một số dự án đã và đang được triển khai thi công, một số gặp khó khăn do thiếu vốn hoặc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi các Dự án trên hoàn thành sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước LVSNĐ nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn thành phố.

KHÁNH DUY