Khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp bất động sản

- Thứ Ba, 18/02/2020, 16:34 - Chia sẻ
Mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, song trên thực tế DN bất động sản (BĐS) vẫn còn gặp khó khăn ở khâu thực thi các thủ tục và gặp khó bởi nguồn vốn... Đây là những "điểm nghẽn" được chỉ ra tại Hội nghị trao đổi những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư về chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, bền vững do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sáng 18.2, tại Hà Nội.

Nhiều “điểm nghẽn”

Bất động sản là tài sản lớn của mỗi quốc gia. Ước tính thị trường BĐS chiếm khoảng 40% lượng của cải vật chất, 30% tổng hoạt động của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu ở và là tài sản lớn của mỗi tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Mặt khác, thị trường BĐS là kênh hữu hiệu huy động nguồn tài chính dồi dào trong và ngoài nước phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở, góp phần kích thích các ngành sản xuất liên quan, tăng nguồn thu cho ngân sách và giải quyết lao động việc làm. Do đó, thị trường BĐS là một trong những thị trường có giá trị tạo động lực, kéo theo và gia tăng sự đóng góp của các thị trường khác vào nền kinh tế, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, thị trường lao động và nhiều năm trở lại đây đã thể hiện rất rõ trong thị trường du lịch. Có thể nói, xoay quanh BĐS là một hệ sinh thái kinh tế liên quan và cộng hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, hiện nay thị trường BĐS Việt Nam đang rơi vào tình trạng khá trì trệ.

Đồng tình với nhận định đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng: Do phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào bất động sản cộng với việc siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện khiến thị trường BĐS cả nước đang chững lại. Ngoài ra, nguyên nhân gây "điểm nghẽn" cho thị trường BĐS là do vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, cơ quan quản lý cho tạm dừng để rà soát lại các dự án, quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng bị kéo dài nên nhiều dự án bị đình trệ… Điều này ảnh hưởng đến người tiêu dùng và người sử dụng BĐS. Hệ lụy tiếp theo là làm chậm thời gian xây dựng, cơ sở hạ tầng do việc cấp giấp phép bị trì hoãn.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Vinhomes, đại diện Tập đoàn Vingroup Phạm Thiếu Hoa chia sẻ: “Vingroup đã tập hợp những vướng mắc về thủ tục hành chính đang ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn. Trong đó, có các chính sách, quy định về các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)... Trong văn bản hướng dẫn về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở mới chỉ có condotel, chưa có hướng dẫn về officetel. Một khó khăn khác nữa nằm ở chuyện cấp, tách sổ đỏ cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Thêm vào đó, hiện nay các nhà đầu tư BĐS còn gặp những bất cập về các thủ tục liên quan đến việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư...

Chia sẻ thêm về những khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS đang phải đối diện Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản toàn cầu (GP.Invest) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng: Trong các DN đang hoạt động tại Việt Nam thì DN BĐS gặp nhiều khó khăn nhất, bởi họ đang bị chi phối bởi 10 luật. Các thủ tục hành chính như một “ma trận” đang "bủa vây" DN BĐS. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại TP Hồ Chí Minh thì nguyên nhân là vướng mắc tại Luật Đất đai. “Bản thân GP.Invest cũng đã rất "khổ sở" khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai, có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành, có dự án phải trải qua 5 “đời” chủ tịch của địa phương nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Từ thực tế hoạt động của Tập Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc Hương Trần Kiều Dung cho rằng, FLC gặp nhiều khó khăn liên quan đến ba vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

Về pháp lý, hiện nay một số luật có quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án BĐS… Đặc biệt, những quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất còn nhiều bất cập. Việc lựa chọn này đang phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của 4 đạo luật là Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Nhà ở khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại… Ngoài ra, DN cũng gặp khó khăn bởi những bất cập của Luật Xây dựng trong quyền thẩm định thiết kế… Để làm hết thủ tục thực hiện dự án, có khi DN phải mất hai năm, điều này gây khó khăn và khiến DN bỏ lỡ các cơ hội đầu tư. Ngoài ra, hiện nay DN cũng gặp khó khăn trong về nguồn vốn. Họ cần thêm các gói hỗ trợ và các chính sách nhằm khơi thông dòng vốn.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính nhằm tạo điệu kiện cho DN phát triển nhưng DN BĐS vẫn đang gặp khó khăn ở khâu thực thi các thủ tục. Để thực hiện các thủ tục này từ Trung ương đến địa phương phải qua rất nhiều "cửa", đợi chờ phê duyệt, xin ý kiến của các cấp mất nhiều thời gian. Một văn bản nhanh phải trải qua hai tháng, lâu nhất là sáu tháng - bà Dung cho biết thêm.

Cải cách hành chính là khâu đột phá

Phát biểu tại hội nghị, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhận định: Những năm qua, để kiến tạo môi trường kinh doanh bảo đảm minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, trong đó có lĩnh vực BĐS, Chính phủ đã sửa đổi, ban hành nhiều quy định về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS, bao gồm cả các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trong quá trình ban hành các luật, nghị định, văn bản khó tránh khỏi những xung đột cần phải giải quyết. Theo ông Phúc có hai vấn đề cần quan tâm hiện nay, thứ nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong các luật, bộ luật. Những gì có thể xử lý được thì làm luôn, phải phản ứng chính xác và nhanh nhất với thị trường. Thứ hai là vướng mắc về nguồn vốn và các vấn đề khác, doanh nghiệp cần giải trình và kiến nghị thật cụ thể thì mới có thể thuyết phục được.

Tổng Giám đốc Eurowindow Holding Nguyễn Thị Quỳnh Chi nhận định, nguồn cung, giao dịch BĐS trong năm nay có thể đi xuống do vướng mắc các thủ tục pháp lý. Tôi cho rằng, một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho DN. Thứ nữa, chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 20. Mong rằng, VNREA sẽ tiếp tục có những kiến nghị để sửa đổi các quy định này.

Về  cơ bản, các chuyên gia thống nhất với nhận định, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với các DN nằm ở cơ chế, thủ tục hành chính. Thời gian tới, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển bền vững cần tập trung vào một số giải pháp, vấn đề cụ thể. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung các đạo luật cho phù hợp với thực tiễn, cắt bỏ những quy định gây khó cho doanh nghiệp…

Đức Hiệp