Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Khó khăn trong giám định tư pháp

- Thứ Hai, 16/09/2019, 07:59 - Chia sẻ
Giám định tư pháp rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em. Song qua thực tế giải quyết các vụ án này cho thấy, công tác giám định tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở vấn đề kinh phí mà năng lực giám định của cơ quan giám định pháp y của tỉnh cũng còn hạn chế. Đây là thực trạng được nêu ra tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát của QH về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em với UBND tỉnh Lạng Sơn vừa qua.

Năng lực giám định còn hạn chế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, trong giai đoạn từ ngày 1.1.2015 đến 30.6.2019, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là xâm hại tình dục, diễn biến phức tạp, với 78 vụ. Tổng số vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em đã bị xử lý trong 5 năm là 14 vụ, với 23 đối tượng, số trẻ em bị xâm hại là 30 em. Trong đó, số vụ án đã quyết định khởi tố là 60 vụ với 84 bị can. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thời hạn điều tra, thẩm quyền gia hạn điều tra được chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số vụ việc được phát hiện chưa phản ánh hết thực trạng trẻ em bị xâm hại do bị hại hoặc gia đình ngại trình báo do sợ ảnh hưởng đến con cái. Một số đơn vị, chủ yếu là cơ sở chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phối hợp với các đoàn thể trên địa bàn trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, các bậc cha mẹ còn hạn chế, không hiểu biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định nên còn có hành vi vi phạm.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của QH với UBND tỉnh Lạng Sơn
Ảnh: Hà An

Thực tiễn xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, bên cạnh những khó khăn nêu trên, các đại biểu cũng chỉ ra khó khăn vướng mắc khác là vấn đề giám định tư pháp. Thành viên Đoàn giám sát của QH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị tỉnh Lạng Sơn làm rõ, vì sao trong 45/78 trẻ em bị xâm hại tình dục không có em nào được giám định?

Giải trình làm rõ vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn Nguyễn Ngọc Tùng cho biết, Trung tâm Pháp y của tỉnh thuộc Sở Y tế đã phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan tố tụng để thực hiện công tác giám định theo yêu cầu. Tuy nhiên, ông Tùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, năng lực cơ quan giám định pháp y của tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là những giám định chuyên sâu, trong đó có giám định gene chưa thực hiện được. Chính vì vậy, cơ quan tố tụng, cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu giám định thì cơ quan pháp y chưa giám định được trường hợp nào, ông Tùng cho biết thêm.

Không có kinh phí riêng cho giám định xâm hại trẻ em

Khó khăn trong giám định tư pháp, trong đó có khó khăn về kinh phí là tình trạng chung mà nhiều cơ quan trưng cầu giám định ở nhiều địa phương trong cả nước đang gặp phải. Lạng Sơn cũng không phải là ngoại lệ.

Đề cập đến vấn đề kinh phí trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng, kinh phí bố trí cho ngành lao động, thương binh, xã hội chủ yếu để phát động phong trào như tổ chức trung thu, phát động Tháng hành động. Từ thực tế ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn cho thấy, không có kinh phí dành riêng cho công an trong xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, trong đó có kinh phí cho hoạt động giám định tư pháp.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha, trong hoạt động tư pháp, kinh phí cho giám định viên, kinh phí giám định cho các vụ việc, đặc biệt là kinh phí cho việc giám định ADN trong các vụ xâm hại tình dục rất tốn kém. Có nơi như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chi phí là khoảng 20 - 30 triệu đồng một trường hợp. Việc giám định ADN rất quan trọng. Nếu không giám định được thì rất khó để tìm ra tội phạm. Với những trường hợp Lạng Sơn không giám định được thì phải đưa xuống Hà Nội. Nhưng chi phí cho việc này lấy ở đâu? Phó Chủ nhiệm Pha đặt câu hỏi.

Giải trình thêm về kinh phí điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có kinh phí cho công tác giám định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn Vũ Hồng Quang cho biết, Công an tỉnh “quán triệt” với công an các huyện, đó là không có kinh phí riêng, mà chỉ có kinh phí điều tra, kinh phí nghiệp vụ do Bộ Công an cấp, và kinh phí hỗ trợ đấu tranh trong công tác phòng, chống đấu tranh tội phạm do UBND tỉnh cấp. Nguồn kinh phí này được cấp về các huyện để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Từ đó, công an huyện tự cân đối, không có kinh phí riêng để điều tra xử lý các vụ án về xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho biết, kinh phí giám định liên quan đến các vụ việc xâm hại trẻ em đều được các đơn vị bảo đảm đầy đủ. Điều khiến các đơn vị băn khoăn là thời hạn giám định bởi trên thực tế, thời hạn này hay bị kéo dài. Ngoài ra, giám định cơ chế hình thành dấu vết, nhiều khi tỉnh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là giám định sinh học. Việc trưng cầu giám định bị chậm cũng ảnh hưởng đến kết quả điều tra.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Thị Lan Anh cũng cho biết, một trong những vướng mắc của các cơ quan trưng cầu giám định hiện nay là giám định ADN. Bà Anh cho rằng, trong tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nếu thành lập được các trung tâm giám định ADN ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì việc giám định sẽ bảo đảm được kịp thời. Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực, đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia có chuyên môn sâu giám định ADN như: Giám định độ tuổi, giám định xương, giám định các vấn đề xác định ADN của các nạn nhân trong trường hợp cần thiết. Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực tài chính trong xử lý vấn đề xâm hại trẻ em.

Giải quyết các vụ việc, vụ án về xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em gặp không ít khó khăn, vướng mắc, bởi nạn nhân là đối tượng đặc biệt. Việc chưa bố trí nguồn kinh phí riêng dành cho công tác điều tra, xử lý các vụ án xâm hại trẻ em cũng ảnh hưởng phần nào đến tiến độ giải quyết các vụ án. Để bảo đảm quyền lợi cho trẻ em bị xâm hại, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần khoản kinh phí thỏa đáng cho công tác giám định, trong đó có giám định pháp y cho trẻ bị xâm hại tình dục. 

Hà An