Phương thức hoạt động của nghị viện trong thời kỳ dịch Covid-19

Khó khăn và giải pháp kỹ thuật

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:21 - Chia sẻ
Qua thực tiễn áp dụng phương pháp họp trực tuyến của một số nước như Quốc hội Brazil, Chile, Nghị viện Anh… có thể nhận thấy những vướng mắc kỹ thuật và một số giải pháp mà các nghị viện có thể lưu ý.

Vướng mắc kỹ thuật

Làm việc từ xa trong các nghị viện có thể đưa ra những thách thức cho các bộ phận công nghệ thông tin, chịu trách nhiệm không chỉ trong việc duy trì hoạt động của hệ thống mà còn thực hiện các công nghệ bổ sung để đối phó với các tình huống mới. Các nhà cung cấp cũng bị quá tải do nhu cầu ngày càng tăng của các phương thức làm việc online trong giai đoạn dịch bệnh. Mặc dù hệ thống máy tính của các nghị viện có thể được hỗ trợ từ xa, nhưng hầu hết giải pháp này được thiết kế để cho những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, các nghị viện mà trước đó đã sử dụng các công cụ lưu trữ trực tuyến để khởi tạo và quản lý tài liệu thì sẽ thuận lợi hơn trong việc áp dụng phương thức làm việc mới này.

Lo ngại an ninh

Bảo mật là một khía cạnh thiết yếu của bất kỳ ứng dụng nào được chọn để hỗ trợ cho hoạt động của nghị viện. Phát triển các công cụ nội bộ là một hướng giảm thiểu rủi ro bảo mật, nhưng điều này mất khá nhiều thời gian. Nếu các nghị viện chọn giải pháp dựa trên ứng dụng điện toán đám mây, họ sẽ phải nắm được lưu lượng truy cập sẽ đi đâu và dữ liệu được lưu trữ ở đâu; nếu nó nằm ngoài đám mây của nghị viện hoặc chính phủ hoặc ngoài phạm vi quyền hạn của họ, liệu tất cả các ý nghĩa bảo mật và pháp lý có được tính đến?


Các Thượng nghị sĩ Philippines thử nghiệm ứng dụng Zoom để tiến hành họp trực tuyến
Nguồn: CNN

Giải pháp kỹ thuật

Một số công cụ kỹ thuật số sau có thể hỗ trợ các nghị viện tiến hành họp từ xa.

Mạng riêng ảo (VPN) có thể kết nối từ xa các nghị sĩ và nhân viên với các mạng nội bộ quốc hội hiện có, được lưu trữ bởi cơ sở hạ tầng của chính Quốc hội.

Một trong những giải pháp dựa trên đám mây được đánh giá là hữu hiệu nhất hiện nay là Microsoft Office 365, bao gồm tất cả các sản phẩm Microsoft Office phổ biến, cũng như các công cụ như SharePoint (để quản lý, truy cập và chia sẻ dữ liệu) và Microsoft Team cho chức năng hội nghị trực tuyến. Quốc hội Anh, Thượng viện Hà Lan, Quốc hội Đan Mạch và Quốc hội Na Uy và một số cơ quan lập pháp khác đang sử dụng Office 365 để giúp việc hoạt động từ xa trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, có thể sử dụng giải pháp đám mây của Google Cloud hay G-Suite bao gồm các công cụ như Google Drive và Hangouts. Quốc hội Bhutan sử dụng G-Suite.

Công cụ hỗ trợ họp trực tuyến

Một số công cụ hội nghị truyền hình trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams (hoạt động với Skype), Cisco Web Meetings và Google Hangouts đang được áp dụng khá phổ biến hiện nay.

Các hội nghị truyền hình phải ổn định, có thể cho phép đồng thời một số lượng lớn người tham gia và có chức năng để người điều hành kiểm soát. Ví dụ, Hạ viện Brazil gần đây đã tổ chức một phiên họp toàn thể ảo với sự hỗ trợ của ứng dụng Zoom với hơn 500 thành viên trực tuyến.

Jitsi là một công cụ hội nghị truyền hình miễn phí với mã nguồn mở, có thể được áp dụng cho các hội nghị quy mô nhỏ (số lượng người tham gia không quá lớn), có thể được vận hành từ đám mây hoặc được triển khai trên chính máy chủ của nghị viện.

Các công cụ hội nghị truyền hình được đề cập ở trên có sẵn trong phiên bản đám mây và trên phiên bản trang web. Nếu là phiên bản đám mây, các nghị viện có thể sử dụng những công cụ này ngay lập tức với chi phí thấp mà không cần phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp thứ hai, nghị viện phải thiết lập những cơ sở hạ tầng cần thiết trên trang web và do đó việc triển khai sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng giải pháp này có thể đáp ứng một số vấn đề bảo mật nhất định.

Yêu cầu về băng thông

Một trong những đòi hỏi quan trọng để các cuộc họp trực tuyến có thể diễn ra suôn sẻ đó là tốc độ đường truyền internet phải nhanh và đáng tin cậy. Đây sẽ là một rào cản kỹ thuật đối với một số nghị viện, hoặc là vấn đề đối với một số nghị sĩ ở các khu vực mà khả năng tiếp cận internet còn hạn chế.

Tốc độ kết nối thường được thể hiện dưới dạng tải về. Lý do là phần lớn các mạng không đồng bộ và cung cấp tốc độ tải thấp hơn đáng kể. Mặc dù đây thường không phải là vấn đề lớn, nhưng nó vẫn cần phải được tính đến khi tiến hành hội nghị truyền hình.

Nghị viện cũng phải để ý đến quyền truy cập và độ tin cậy về kết nối của nghị sĩ khi thiết lập phương tiện liên lạc từ xa. Nếu yếu tố này không được bảo đảm, nghị viện có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp không đồng bộ để chia sẻ tài liệu và bỏ phiếu.

Bảo đảm an ninh cho bỏ phiếu từ xa

Bỏ phiếu là một trong những công cụ quan trọng để nghị viện thông qua một quyết định. Tuy nhiên, bỏ phiếu từ xa đặt ra những vấn đề liên quan đến bảo mật:

Chẳng hạn làm thế nào bảo đảm tính hợp pháp của các lá phiếu trực tuyến. Về câu hỏi này, Quốc hội Brazil đã giải quyết bằng cách trang bị cho các nghị sĩ một thiết bị riêng mà chỉ có nghị sĩ được đăng ký, trong đó có ứng dụng nội bộ phục vụ cho việc bỏ phiếu.

Một vấn đề khác đặt ra là làm thế nào để bảo đảm tất cả các thành viên của nghị viện đều có thể bỏ phiếu. Tây Ban Nha lại sử dụng một công cụ bỏ phiếu từ xa cho phép bỏ phiếu không đồng bộ.

Vũ Quỳnh