Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Khó phát huy vai trò “công xưởng”, nếu giảm đại biểu chuyên trách

- Thứ Sáu, 10/05/2019, 08:08 - Chia sẻ
Thực tế ở các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, với số đại biểu chuyên trách như hiện nay nhiều địa phương áp dụng cũng chưa đủ mạnh để bảo đảm tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát, thẩm tra được chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, nếu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 theo hướng giảm đại biểu chuyên trách Ban HĐND cấp tỉnh sẽ rất khó cho các Ban thực hiện trọng trách là “công xưởng” trong hoạt động của HĐND.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Một số nội dung của Luật được kế thừa, chuyển tiếp từ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều thuận lợi.

Cụ thể, Luật quy định cụ thể, rõ ràng về cơ cấu, nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp và quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND mỗi cấp. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không bị chồng chéo, bảo đảm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời vẫn bảo đảm sự tuân thủ giữa các cấp chính quyền địa phương. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, các cấp chính quyền địa phương căn cứ nhiệm vụ được quy định trong Luật đã phát huy được trách nhiệm lãnh đạo, điều hành, tham mưu cho cấp ủy cùng cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt; giữ vững quốc phòng, an ninh, thực hiện trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật, nhiều địa phương đều nhận thấy một số bất cập.


Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai giám sát tại cơ sở

Bổ sung thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã

Đối với HĐND cấp xã, về tổ chức, việc không thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã chưa phù hợp với thực tế hoạt động của HĐND cấp xã. Đặc biệt là đối với các xã có địa bàn rộng, nhiều thôn bản, việc không thành lập Tổ đại biểu dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và hoạt động TXCT của đại biểu HĐND cấp xã tại các thôn, tổ dân phố theo từng đơn vị bầu cử đại biểu HĐND trên địa bàn cấp xã. Vì vậy, thực tế để hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã được hiệu quả, nhiều địa phương hiện vẫn phân công đại biểu thành từng nhóm để thuận tiện cho hoạt động.

Trong nhiệm vụ của HĐND cấp xã, Luật chỉ quy định HĐND quyết định các biện pháp bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác và quyết định dự toán thu, chi ngân sách trên địa bàn... Luật không quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã hàng năm như cấp huyện và cấp tỉnh là chưa phù hợp, vì mỗi cấp chính quyền địa phương đều có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội độc lập, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông mới và chủ trương về thực hiện phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Vì vậy, các chủ trương, biện pháp về giao chỉ tiêu kế hoạch cấp xã theo hướng đột phá trên địa bàn phải được thực hiện dân chủ, nhân dân được bàn bạc và thông qua HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri là phù hợp.

Mặt khác, thực tế cho thấy, UBND cấp xã hàng năm vẫn phải đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy Đảng cùng cấp. Vì vậy, để thuận tiện cho việc triển khai tại cơ sở cũng như bảo đảm phát huy dân chủ, việc bổ sung quy định UBND cấp xã xây dựng trình HĐND cấp xã thông qua các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để HĐND cấp xã thông qua, để thực hiện dân chủ và vẫn bảo đảm đúng quy định về phân cấp nhiệm vụ của chính quyền mỗi cấp là phù hợp.

Việc quy định Thường trực HĐND xã gồm Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch HĐND, nếu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch đi đào tạo dài ngày, rất khó khăn cho Thường trực HĐND xã có các quyết định mang tính tập thể. Nên chăng, Thường trực HĐND cấp xã bổ sung thành viên là các Trưởng ban HĐND để bảo đảm hoạt động được dân chủ và tăng quyền lực cho các Ban HĐND cấp xã.

Giảm đại biểu chuyên trách các Ban: Khó bảo đảm hiệu quả hoạt động

Đối với các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Luật quy định Trưởng ban của HĐND có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách. Như vậy, nếu địa phương bố trí cả Trưởng ban và Phó Trưởng ban là đại biểu chuyên trách vẫn phù hợp, nhằm xây dựng cơ quan quyền lực tương xứng với vị thế và phát huy được hoạt động. Thực tế ở các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, với số đại biểu chuyên trách như hiện nay, nhiều địa phương áp dụng thực ra cũng chưa đủ mạnh để bảo đảm tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát, thẩm tra được khách quan, dân chủ.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ngoài đại biểu chuyên trách, có từ 3 - 5 thành viên kiêm nhiệm. Thực tế, thành viên Ban hoạt động kiêm nhiệm là lãnh đạo cấp ngành hoặc cấp huyện, xã nên ít bố trí được thời gian tham gia các hoạt động chung của Ban, hoặc nếu có tham gia thì không đầy đủ, chất lượng nghiên cứu các văn bản còn hạn chế nhất định. Vì vậy, chủ yếu vẫn là đại biểu chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của Ban. Các nhận định của Ban mang tính tập thể vì vậy chưa được khách quan, toàn diện, không kể đến nhận định trong các báo cáo giám sát, thẩm tra còn chung chung, xuôi chiều.

Vì vậy, nếu việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 theo hướng giảm đại biểu chuyên trách của Ban HĐND cấp tỉnh, sẽ rất khó cho các Ban HĐND triển khai thực hiện nhiệm vụ được chất lượng, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Hà Thị Thiệp - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai