Khó trúng cử nếu chương trình hành động không rõ

- Thứ Sáu, 15/04/2016, 08:14 - Chia sẻ
Sáng qua, danh sách ứng cử viên chính thức do các cơ quan trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH Khóa XIV đã được Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 của Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua. ĐBQH CAO SỸ KIÊM (Thái Bình) cho rằng, các ứng cử viên ở Trung ương cần nâng cao khả năng tiếp xúc với cử tri ở địa bàn ứng cử; tích cực thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu của cử tri địa phương để xây dựng chương trình hành động vận động bầu cử.

- Nhìn vào danh sách ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV do Trung ương giới thiệu, ông có suy nghĩ như thế nào? 

- Danh sách này có nhiều ứng cử viên là ĐBQH Khóa XIII tái cử, một số ứng cử viên đã từng tham gia QH các nhiệm kỳ trước nữa. 197 ứng cử viên này cũng đã được lựa chọn qua nhiều bước. Tôi tin tưởng, các ứng cử viên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của ĐBQH, đáp ứng mong mỏi của cử tri và người dân. Với những ứng cử viên lần đầu được giới thiệu tham gia ứng cử, thì đều nhận được sự tín nhiệm rất cao của cử tri nơi công tác và cử tri nơi cư trú; nhiều ứng cử viên có bằng cấp cao, trẻ tuổi. Vì thế, tôi hy vọng họ sẽ năng động, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động của QH nếu trúng cử.


Các đại biểu dự Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 Ảnh: Vũ Quang

- Cũng đã có trường hợp ứng cử viên do Trung ương giới thiệu không được cử tri địa phương lựa chọn. Với kinh nghiệm ứng cử và trúng cử làm ĐBQH trong nhiều nhiệm kỳ, ông có lưu ý gì với các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu không?

- Ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về địa phương không trúng cử có nhiều nguyên nhân, trong đó, có thể do ứng cử viên chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bầu cử ở nơi ứng cử. Thực hiện công tác này không tốt, chưa tạo dấu ấn sâu sắc với cử tri nên khó được cử tri lựa chọn.

Cần lưu ý rằng, cử tri sẽ chọn những người đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn của ĐBQH; có khả năng đóng góp cho địa phương; tiếp thu và phản ánh chính xác nguyện vọng, ý kiến của mình… Trong quá trình vận động bầu cử, nếu ứng cử viên không nắm bắt được nguyện vọng của cử tri, không có ý tưởng về đóng góp cho địa phương, hoặc chương trình hành động không rõ ràng, thì dù do Trung ương hay địa phương giới thiệu cũng đều khó trúng cử. Để vận động tranh cử thành công, ứng cử viên do Trung ương giới thiệu cần quan tâm nâng cao khả năng tiếp xúc với cử tri ở địa bàn ứng cử; tích cực thu thập thông tin về địa bàn ứng cử, nhất là nắm bắt nhu cầu của cử tri địa phương. Dựa trên những thông tin này, ứng cử viên cần chọn ra hướng đóng góp của bản thân cho địa phương khi trúng cử và trình bày rõ trong chương trình hành động vận động bầu cử.

- ĐBQH công tác tại Trung ương thường không có nhiều điều kiện như đại biểu địa phương trong việc nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử. Điều này đặt ra yêu cầu gì với những ứng cử viên do Trung ương giới thiệu nếu được cử tri chọn làm người đại diện cho mình?

Các quy định hiện hành không rành rẽ tiêu chuẩn đại biểu do Trung ương hay địa phương giới thiệu, mà chỉ có tiêu chuẩn chung với mỗi ĐBQH.  Một trong những tiêu chuẩn với ĐBQH được quy định trong Luật Tổ chức QH là ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. Tôi nghĩ, đại biểu công tác ở Trung ương hay công tác ở địa phương thì đều có thế mạnh riêng. ĐBQH công tác ở địa phương có thời gian và cơ hội để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa phương nhiều hơn. Còn ĐBQH công tác ở Trung ương thì có khả năng tiếp cận với các vấn đề chung, vĩ mô của quốc gia hơn. Vì thế, các đại biểu ở Trung ương và đại biểu ở địa phương có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. 

- Xin cảm ơn ông!

 Tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là việc cử tri chọn ra người đại diện cho mình, nên cử tri phải chọn đúng người xứng đáng. Nếu cử tri lựa chọn hời hợt sẽ không chọn đúng người hoặc có chất lượng kém, và sẽ ảnh hưởng ngay tới chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, HĐND. Khi đó, yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân không dễ thực hiện được. Các ý kiến, đóng góp của cử tri đối với các chính sách, pháp luật cũng khó có thể được truyền đạt đầy đủ đến các cơ quan chức năng. Như vậy, nếu cử tri không thực hiện đầy đủ quyền bầu cử của mình thì ảnh hưởng ngay đến quyền lợi chính đáng của cử tri.

__________________

Những ứng cử viên ĐBQH nếu không xuất hiện nhiều ở nơi cư trú, ít tiếp xúc với cử tri sẽ khó nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao, vì về nguyên tắc là đại diện cho người dân thì phải gần dân, sát dân, nắm được tâm tư của dân. Người không sinh hoạt trong khu dân cư, không gần gũi với cuộc sống thường nhật, sẽ khiến cử tri phải cân nhắc khi lựa chọn người đại diện cho mình. Những ứng cử viên này nếu có thể được lựa chọn làm ĐBQH cũng sẽ khó khăn trong tiếp xúc, giải quyết những vấn đề cử tri mong muốn.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình)

Phương Thủy ghi