Khổ vì là “đô thị vệ tinh!”

- Thứ Ba, 10/09/2019, 08:03 - Chia sẻ
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Phú Xuyên được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội với kỳ vọng trở thành khu vực kinh tế năng động, thu hút các nguồn lực lớn của xã hội. Tuy nhiên đến nay, đô thị vẫn nằm trên giấy, còn người dân phải gánh chịu khó khăn từ chính kế hoạch phát triển đầy tham vọng này.

Hệ lụy đã hiện hữu

Những cánh đồng bị bỏ hoang; những nền đất vốn là nhà xưởng cũ của các gia đình làm nghề mộc truyền thống nay mọc đầy cây bụi; những căn nhà xiêu vẹo và nhiều cơ sở chăn nuôi của người dân đã xuống cấp, xập xệ; khói bụi, khí thải từ hoạt động của các nhà xưởng nhỏ lẻ, chật chội trong khu dân cư… Đó là những gì đang diễn ra trên địa bàn xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên nhiều năm qua. Văn Nhân - vùng “lõi” trong quy hoạch đô thị vệ tinh Phú Xuyên, cứ ngỡ sẽ phát triển nhanh chóng, nhưng gần 10 năm sau công bố quy hoạch đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.  


Một góc huyện Phú Xuyên

Xưởng mộc của gia đình ông Trần Văn Định trước đây là một trong những nhà xưởng rộng rãi bậc nhất của làng nghề mộc Chanh Thôn, xã Văn Nhân. Nơi đây vốn là sinh kế của gia đình ông Định và 15 công nhân trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau một trận bão, xưởng mộc bị tàn phá nặng nề… nhưng “không được phép” xây dựng lại do vướng quy hoạch “treo” đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Đến nay, ông Định phải tận dụng một phần diện tích đất ở của gia đình mình lập xưởng tạm để tiếp tục sản xuất. Ông Định chia sẻ: “Bao nhiêu năm rồi, đến nay tôi cũng không thấy Nhà nước xây sửa công trình nào. Đất thì bỏ hoang mà chúng tôi lại không có nơi để dựng nhà xưởng làm ăn. Đồ đạc làm ra không có chỗ để, phải phủ bạt để ngoài trời, ẩm mốc thiệt hại tài sản cũng không có cách nào để khắc phục. Chỉ tại cái đô thị vệ tinh”.

Ở Văn Nhân có đến hơn 300 hộ làm nghề mộc truyền thống. Không có quỹ đất nên các nhà xưởng hầu hết phải xây dựng xen lẫn trong khu dân cư chật chội. Sản phẩm đồ gỗ làm ra có khi phải để ngoài các bờ mương, vệ đường. Không chỉ sản xuất kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng, môi trường sống nơi đây đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng vì bụi, khí thải, tiếng ồn. Ông Nguyễn Văn Nhất (xã Văn Nhân) cho biết: “Mong muốn của người dân là làng nghề được xây dựng ra một khu riêng, tách biệt khỏi khu dân cư. Nếu cứ để tình trạng thế này, làng nghề không thể phát triển được mà môi trường thì ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân”.

Thực tế, huyện Phú Xuyên đã có Đề án quy hoạch khu làng nghề 6ha để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các hộ làm nghề mộc ở Văn Nhân. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch đô thị vệ tinh Phú Xuyên nên khu làng nghề này không thể thực hiện được. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Vững cho biết, vì là vùng lõi nên 98% diện tích đất của Văn Nhân nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh. Do đó, xã không thể đầu tư hạ tầng để phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do chỉ được phép trồng cây hàng năm, chăn nuôi hộ nhỏ lẻ mà không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lâu dài. “Ruộng thì cứ bỏ hoang mà dân thì thiếu đất sản xuất, phải đi làm ăn xa xứ rất vất vả. Đã chục năm rồi, đô thị vẫn là dự án treo còn hệ lụy với người dân Văn Nhân đã hiện hữu” - ông Vững trăn trở.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Không chỉ tại xã Văn Nhân mà ở các xã Nam Phong, Nam Triều, Đại Thắng, Quang Trung và thị trấn Phú Xuyên, đời sống của người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn do bị gắn “mác” đô thị vệ tinh. Theo lãnh đạo các địa phương trên, đô thị vệ tinh Phú Xuyên đã được đưa vào quy hoạch chung, xây dựng thủ đô Hà Nội từ gần 10 năm về trước với chức năng là đô thị công nghiệp. Cùng thời điểm đó, một số địa bàn lân cận, như huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Nam cũng bắt đầu phát triển công nghiệp. Nhưng cho tới nay, trong khi Đồng Văn đã có những bước phát triển vượt bậc, thì ở xã Văn Nhân nói riêng, và huyện Phú Xuyên nói chung vẫn dậm chân tại chỗ. Không những thế, dự án khu đô thị còn làm người dân gặp khó khăn, và hàng vạn người lao động đã phải đến địa phương khác để lao động.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đô thị Phú Xuyên chậm tiến độ, việc giải quyết những vấn đề đó vượt ra khỏi khả năng của lãnh đạo huyện. Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng nhận định: “Khi các nhà đầu tư không vào thì tức là sức hút của đô thị không có, mà sức hút của đô thị không thể chỉ nằm ở quy hoạch mà phải nằm ở hạ tầng thực tế”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội Bùi Xuân Tùng chia sẻ, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011, mô hình phát triển ở Hà Nội là mô hình phát triển trùng đô thị, trong đó có đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, bao gồm: Đô thị Sóc Sơn, đô thị Sơn Tây, đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai và đô thị Phú Xuyên. Đô thị Phú Xuyên phát triển dịch vụ trung chuyển hàng hóa, logistics và dịch vụ hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Tuy nhiên, chúng ta mới bàn về vấn đề quy hoạch, còn từ ý tưởng quy hoạch mà trở thành hiện thực lại rất khó khăn. Bản thân các địa phương không thể làm được, mà cần có sự chỉ đạo đồng bộ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế và huy động được nguồn lực. Bên cạnh đó, việc thu hút mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và tạo được sự đồng thuận của người dân cũng rất cần thiết để hiện thực hóa quy hoạch” - ông Tùng khẳng định.

Với thực trạng đô thị vệ tinh Phú Xuyên hiện vẫn nằm trên giấy, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên không có căn cứ để định hướng phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng vạn người dân sẽ tiếp tục phải tới lao động kiếm sống tại địa phương khác, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh tại ngay Phú Xuyên, dù là nông nghiệp hay thủ công nghiệp chỉ phát triển cầm chừng. Cùng với đó, mục tiêu giảm tải hạ tầng cho nội đô Hà Nội chưa biết bao giờ mới thực hiện được.

ĐÀO CẢNH