Tản mạn

Khoảng trống

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:00 - Chia sẻ
Phản ứng của giới kiến trúc sư Việt Nam xung quanh việc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà hát Thủ Thiêm là có cơ sở. Bên cạnh đó, nó cũng có thể hiện một vấn đề khá kỳ lạ trong thực hành nghề nghiệp ở Việt Nam, đó là sự đứt gãy ở khoảng giữa của tỷ lệ các công trình.

Theo quan sát của cá nhân tôi, các đồ án cuộc thi ở Việt Nam hoặc nhỏ thì rất nhỏ, thường ở mức tư nhân, nhà ở, văn phòng cỡ vừa, cổng chào, biểu tượng...; còn nếu to thì rất to, toàn công trình trọng điểm cấp quốc gia đòi hỏi bề dày kinh nghiệm và com-măng thiết kế lớn. Ở khoảng giữa, đáng lý ra cần vô vàn tỷ lệ khác nhau, cỡ trung bình, cỡ lớn vừa, lớn nhỉnh, mở ra biết bao cơ hội phát triển... thì trên thực tế chúng ta dường như chưa có cơ hội tiếp cận.

Thiết kế đa dạng tỷ lệ là một trí khôn đặc thù của kiến trúc sư và sự thực hành càng đa dạng càng tốt. Ở đây, cá nhân tôi muốn nói đến khoảng giữa S và XL. Ví dụ như trước khi thiết kế một nhà hát 1.500 chỗ thì anh nên có cơ hội được làm một nhà hát cỡ vừa, nhỏ, 200 - 300 chỗ, nhà hát quận, rạp tư nhân... Đối với các loại hình khác cũng vậy, trước khi làm XL thì tôi có cơ hội làm M, L sẽ là điều tốt. Thế thì cái M, L đó ở đâu ra? Tôi có cảm giác rằng ở Việt Nam ngoài S và XL thì dường như chưa có M, L, cũng ít khi thông qua thi tuyển, đấu thầu.

Về ý tưởng hay phương pháp làm việc, mọi kiến trúc sư đều có khả năng và đều khả thi. Tuy vậy, trong các cuộc thi công trình trọng điểm nặng về thiết kế hệ thống thì nó đòi hỏi kiến trúc sư có đủ hệ thống thiết kế (system design & design system). Đây là điểm khiến cho kiến trúc sư Việt Nam thường khó cạnh tranh với các đơn vị ngoại quốc có bề dày kinh nghiệm. 

 Một ví dụ nhỏ về tầm quan trọng của hệ thống. Văn phòng tôi làm việc mới thắng cuộc thi lớn về nhà hát thính phòng ở Munich (công trình trọng điểm), thiết kế phí cho đồ án đó vào khoảng 80 triệu euro (khoảng 2.200 tỷ VNĐ). Chi phí ấy thậm chí thừa đủ để xây nguyên một cái nhà hát ở Thủ Thiêm chứ chưa nói gì đến phí xây dựng thực tế vào khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Vậy là bất kỳ đơn vị nào thắng cuộc thi đó, họ phải có đủ năng lực để đơn giản là tiêu cái số tiền 2.200 tỷ đồng trên. Chỉ riêng việc nghĩ xem triển khai 2.200 tỷ đồng đó như thế nào chắc hẳn cũng đau đầu. Rất may, có cả một hệ thống thực hiện điều đó chứ 2 - 3 người e không kham nổi. 

Đối với kiến trúc sư, hẳn chúng ta đều biết tỷ lệ không nói lên năng lực, tuy vậy nghề này không phải là nghề mà ta làm mọi thứ một mình. Chúng ta có thể giải quyết triệt để các vấn đề ở tỷ lệ S nhưng đến tỷ lệ XL, như đã trình bày, cần phải có một hệ thống (design system) và hệ thống đó cần được vun đắp, củng cố, trui rèn qua các tỷ lệ khác nhau. Com-măng của anh đã kinh qua tỷ lệ M thì có thể bắt đầu làm tỷ lệ L, sau khi đã đi qua L, com-măng ấy tự nó có thể tiếp cận XL. 

Môi trường hành nghề cũng nên tạo điều kiện cho các văn phòng vừa và nhỏ tìm thấy cơ hội ở những sân chơi kế cận, để rồi một ngày, ta sẽ có hệ thống đủ cho vận hành tỷ lệ XL được trơn tru.  

Lê Quang