Khởi đầu tốt đẹp

- Thứ Ba, 30/06/2020, 05:23 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả Hội nghị AIPACODD 3, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3 Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, đại biểu, nghị sĩ các nước thành viên AIPA đã thảo luận cởi mở, thắng thắn và thông qua nghị quyết, báo cáo hội nghị với sự đồng thuận theo đúng cách thức, nguyên tắc của ASEAN. Thành công của hội nghị đã khởi đầu tốt đẹp cho Năm Chủ tịch AIPA 41 mà Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm.

“Tiêu chuẩn mới” trong tổ chức hội nghị

- Trên cương vị Chủ tịch AIPA 41, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào trong tổ chức Hội nghị AIPACODD 3, thưa bà?

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3 Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp trực tuyến
Ảnh: T.Chi

- Đây là lần thứ 3, AIPA tiến hành hội nghị AIPACODD. Hội nghị đầu tiên được tổ chức ở Singapore đã ban hành Nghị quyết về Bảo đảm Cộng đồng ASEAN không ma túy cho thế hệ tương lai. Hội nghị lần thứ hai diễn ra ở Thái Lan, thông qua Nghị quyết về Phát triển thay thế để hướng tới Cộng đồng ASEAN không ma túy. Các nghị quyết của AIPACODD là sự nối tiếp các nghị quyết của Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM) trước kia.

Quốc hội Việt Nam thấy rằng, nhiều nghị quyết, từ AIFOCOM đến AIPACODD, đã đề cập đến các cam kết về phòng, chống ma túy trong khu vực ASEAN. Vì vậy, tổ chức hội nghị AIPACODD năm nay, Quốc hội xác định đây là dịp để các nghị viện thành viên AIPA cùng nhau đánh giá, rà soát và thúc đẩy thực hiện các cam kết thể hiện trong các nghị quyết hội nghị AIFOCOM và AIPACODD. Do đó, trên cương vị chủ nhà, Quốc hội đã chọn chủ đề chung của Hội nghị AIPACODD 3 là "Biến lời nói thành hành động, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không có ma túy". Đóng góp đầu tiên của Quốc hội trong tổ chức AIPACODD năm nay là đặt ra chủ đề chung của hội nghị và được tất cả nghị viện thành viên AIPA ủng hộ.

- Nội dung thảo luận của hội nghị lần này có điểm gì khác so với những hội nghị AIPACODD và AIFOCOM trước đây, thưa bà?

- Quốc hội đặt vấn đề ma túy trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 làm phát sinh những thách thức mới trong cuộc chiến phòng, chống ma túy và đề nghị báo cáo quốc gia của các nghị viện thành viên AIPA phải khác mọi năm. Chúng ta yêu cầu, trong báo cáo quốc gia có phần chỉ rõ tác động qua lại giữa đại dịch Covid-19 và công cuộc phòng, chống ma túy của mỗi nước. Đây là vấn đề thời sự của thế giới và ASEAN.

- Việc lần đầu tiên AIPACODD tiến hành hội nghị theo phương thức trực tuyến cũng là sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời của Quốc hội nhằm phù hợp với tình hình mới, thưa bà?

- Hội nghị này lẽ ra được tổ chức sớm hơn, song vì đại dịch Covid-19 nên  mới lùi lại đến thời điểm này. Đây là hội nghị đầu tiên trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 41 và cũng là lần đầu tiên chúng ta áp dụng hình thức họp trực tuyến. Chúng ta có thể thấy, nhiều đoàn nghị viện thành viên AIPA vẫn phải đeo khẩu trang khi ngồi họp. Đây là điều chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi Việt Nam đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Hình ảnh Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến AIPACODD 3 đông đảo như thế mà không cần áp dụng biện pháp nào để phòng ngừa dịch bệnh cũng là hình ảnh tốt, tạo ấn tượng với nghị viện các nước. 

Ngoài tổ chức họp theo hình thức trực tuyến, thay vì diễn ra trong 2 ngày như những lần trước, hội nghị AIPACODD năm nay chỉ diễn ra trong 4 tiếng. Chúng ta phải có cách làm để bảo đảm nội dung, phải làm đầy đủ các việc đáng lẽ được giải quyết trong hai ngày. Tất nhiên, tôi cũng lấy làm tiếc khi không có dịp giới thiệu với các bạn về đất nước, con người Việt Nam, không tổ chức đi thăm thực địa mô hình cai nghiện của Việt Nam. Trong báo cáo của Việt Nam tại hội nghị, chúng tôi cũng đã thể hiện nội dung này. 

Để có thể bảo đảm về thời gian, chúng tôi đã chuẩn bị các tài liệu sớm, dự thảo Nghị quyết được gửi cho các bạn, yêu cầu chi tiết với các báo cáo. Bên cạnh báo cáo đầy đủ, chúng tôi cũng xây dựng báo cáo tóm tắt làm cơ sở xây dựng báo cáo chung của hội nghị. Về cơ bản, các nghị viện thành viên AIPA rất ủng hộ, phản hồi tích cực yêu cầu của Việt Nam.

Có thể nói, qua tổ chức Hội nghị AIPACODD 3, Việt Nam đã đưa ra tiêu chuẩn mới về tổ chức hội nghị trong điều kiện không thể tổ chức trực tiếp.

Cơ chế hợp tác hiệu quả

- AIPACODD 3 vừa kết thúc tốt đẹp trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với thông lệ. Xin bà cho biết những kết quả cụ thể của hội nghị?

- Hai kết quả quan trọng của Hội nghị AIPACODD 3 là Nghị quyết và báo cáo của hội nghị. Nghị quyết gồm 12 điểm đã nhắc lại một cách khái quát các cam kết về phòng, chống ma túy trong khu vực ASEAN; những quan điểm của khu vực về ma túy; nêu rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 đến công cuộc phòng, chống ma túy trong khu vực và kêu gọi nghị viện, chính phủ các nước trong ASEAN, tổ chức, cộng đồng biến các cam kết trong Nghị quyết thành hành động trong thời gian tới. Hôm nay các bạn cũng chứng kiến không khí sôi nổi khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết. Trong thời gian có hạn, chủ tọa đã cố gắng điều hành để đạt được sự thống nhất cao giữa các nghị viện thành viên AIPA và “gõ búa” khẳng định.

- Với vai trò Chủ tịch AIPACODD 3, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của cơ chế hợp tác AIPACODD trong phòng, chống ma túy ở ASEAN?

- Công cuộc phòng, chống ma túy đòi hỏi phải có sự hợp tác, hợp lực của mọi cấp ở mỗi quốc gia, cũng như trong cộng đồng quốc tế. AIPACODD là cơ chế hợp tác nghị viện trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề này. Đây là cơ chế tương đối hiệu quả của các nhà lập pháp, là dịp để chúng ta gặp nhau, rà soát việc thực hiện những cam kết chung. Qua đó, mỗi quốc gia cung cấp thông tin về công cuộc phòng, chống ma túy của mình, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hôm nay chúng ta đều thấy, Việt Nam đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia thành viên ASEAN và chắc các bạn cũng học hỏi được kinh nghiệm của Việt Nam trong điều trị, cai nghiện ma túy.

Tôi nghĩ rằng, đây là diễn đàn cởi mở của các nhà lập pháp, để trao đổi về việc xây dựng pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật về phòng, chống ma túy; cung cấp thông tin về tình hình mỗi nước, về những thuận lợi, khó khăn, thách thức; và nhìn ra những nhiệm vụ chung cần giải quyết. Đây là cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nghị viện các quốc gia trong khu vực ASEAN. Tất nhiên, để phòng, chống ma túy hiệu quả, một mình nghị viện là không đủ mà cần có sự hợp tác mạnh mẽ ở mọi cấp độ.

- Hội nghị AIPACODD 3 đã mở đầu cho chuỗi hoạt động trong Năm Chủ tịch AIPA 41 do Quốc hội nước ta chủ trì. Bà đánh giá thế nào về sự khởi đầu này?

- Tôi vui mừng khi hội nghị này đã thành công tốt đẹp. Người ta hay nói vạn sự khởi đầu nan. Quả thực, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn chuẩn bị như đường truyền, kết nối và các nước ASEAN vẫn đang phải phòng, chống dịch, nên một số đoàn nghị viện thành AIPA không chỉ có một điểm cầu mà nhiều điểm cầu khi tham gia hội nghị… Song, với sự nỗ lực của Ban tổ chức đã hài hòa điều kiện tham gia của mỗi quốc gia thành viên, giúp đại biểu, nghị sĩ các nước đều theo dõi được hội nghị. Các đại biểu đã tham gia thảo luận, cho ý kiến cởi mở, thắng thắn và thông qua Nghị quyết, báo cáo hội nghị với sự đồng thuận theo đúng cách thức, nguyên tắc của ASEAN.

- Xin cảm ơn bà!

Ngọc Khánh , Thanh Hải