Khơi dậy cảm thức

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:21 - Chia sẻ
“Ngày còn nhỏ, mỗi khi đến Tết sợ nhất là bị mẹ sai lau dọn nhà cửa. Mẹ sẽ soi từng ngăn cửa chớp bám bụi, từng song cửa sổ uốn cong hình cánh hoa, từng cánh quạt tai voi, từng cạnh tường cho tới từng chân bàn, chân ghế... Nhưng bù lại, cái cảm giác khi nhà sạch tinh tươm, nhìn mẹ cắm cành đào, cành mai vào bình gốm mà lòng quặn lên một cảm giác vui sướng, thiêng liêng đến khó tả. Nhà có thể thiếu cái bánh, cái kẹo, có thể thiếu một bình rượu ngon, nhưng không có hoa đào, hoa mai nghĩa là không có Tết.

Với một số bạn nhỏ bây giờ sẽ khó để hiểu được cảm giác đó. Bởi vì hôm nay, Tết khiến nhiều người trong số chúng ta mệt mỏi hơn là háo hức. Có lẽ vì thế, giống như một thông điệp cuộn tròn trong chai thủy tinh mà đại dương đẩy đến cuộc đời bạn, không phải ai cũng nhặt chúng lên, mở ra đọc. Hôm nay, mùa xuân đã gửi đến cho chúng tôi thông điệp đầu tiên - những cành đào hồng, mai vàng thêu rạng rỡ. Và chúng tôi chia sẻ đến mọi người thông điệp ấy với những rung động mộc mạc, giản dị đầy riêng tư”.

Những dòng chia sẻ đầy tâm tình và mang tính cá nhân trên Facebook như thế là “đặc sản” của Tiệm thêu tay Tú Thị. Không chỉ là cảm hứng cho các mẫu thêu, mà chính nhờ chúng, nhiều khách hàng đã tìm đến căn gác nhỏ ở phố cổ Hà Nội, để rồi trở thành khách hàng thường xuyên của những sản phẩm thêu tay truyền thống tỉ mỉ và trau chuốt ấy.

 “Ngày càng nhiều người khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống. Đó không chỉ là một cuộc chơi vui mà từ văn hóa tạo ra giá trị gia tăng. Không có văn hóa dẫn đường, làm sao làm du lịch được?”.

Mai Lan

Sinh ra và lớn lên ở làng thêu tay truyền thống Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), nhưng chuyện học hành, công việc, gia đình cứ thế cuốn đi, dễ mấy chục năm Mai Lan không quan tâm gì đến làng nghề quê hương. Một thời gian dài là phóng viên theo dõi mảng du lịch, đau đáu với việc làm thế nào để có những đồ lưu niệm mang đặc trưng của Hà Nội, của Việt Nam, nhưng có lẽ cô không nghĩ đến một ngày mình bỏ nghề viết chuyển sang nghề thêu. Manh nha ý tưởng từ năm 2016, khách hàng đầu tiên là bạn bè, đồng nghiệp, nhưng Mai Lan cũng chỉ xác định “làm cho vui”. Thế rồi, những chuyến đi đi về về, tiếp xúc với cô bác, anh chị ở quê, tìm hiểu các công đoạn của thêu, tình hình làng nghề… đến giữa năm 2017, cô quyết định mở Tiệm thêu tay Tú Thị tại số 23 Hàng Thùng, Hà Nội.

“Lúc đầu, tôi không tin Lan làm được vì rẽ sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Lan rủ về làm cùng, tôi từ chối do cũng không biết gì lĩnh vực này, hơn nữa sợ làm chung sẽ mất bạn” - Hà Trang nhớ lại. Thuyết phục mãi, Trang đồng ý “về làm thử một thời gian”. “Chúng tôi xác định, nếu làm thì phải tìm hiểu, nắm bắt mọi công đoạn. Vì thế, chia nhau người thì nghiên cứu về quản trị kinh doanh, marketing, người thì học thiết kế để có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất”. Mọi mẫu thêu hiện nay của Tú Thị đều do Trang vẽ, sau đó chuyển về Quất Động cho thợ thêu.

Bắt tay vào làm mới thấy nhiều khó khăn. Thợ toàn là nông dân, sống chính bằng nghề thêu nhưng chỉ coi thêu là nghề phụ. Vui không làm, buồn cũng không làm, nói không khéo thì tự ái… Nhưng cũng chính điều này làm nên sự độc đáo của thêu tay truyền thống nói riêng và nghề thủ công nói chung, mà không máy móc nào làm được. “Mỗi sản phẩm thủ công mang bóng dáng người thợ, chỉ cần tâm lý họ không ổn là có thể thay đổi màu sắc, hình dạng mẫu thêu. Vì thế, phải thông cảm, thấu hiểu thì họ mới có thể làm việc lâu dài với mình” - Mai Lan tự rút ra kinh nghiệm.

Sản phẩm của Tú Thị hiện nay chủ yếu áo dài, nhưng mục tiêu xa dài của các cô chủ là những đồ lưu niệm độc đáo mang đậm hồn Việt cũng như đặc trưng của Hà Nội, để “nhìn là khách muốn mua luôn”, tất nhiên phải gắn với thêu thủ công truyền thống. Một số sản phẩm nhỏ xinh như lót ly/cốc, khăn tay, khăn trải bàn, khăn ăn, khăn quàng cổ, túi, ví, tranh… của Tú Thị đã xuất hiện trên thị trường, nhưng “bán không có lãi”. Chẳng lẽ khó khăn thì không làm và thị trường này bỏ ngỏ mãi? Những sản phẩm của làng thêu Quất Động từ lâu đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Thậm chí nhiều nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới như Zara cũng đặt nghệ nhân Quất Động gia công. Theo Mai Lan, về độ tinh xảo, nghệ nhân Việt Nam không thua kém các nước khác, nhưng vấn đề là làm thế nào để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lựa chọn những sản phẩm ấy mang về làm quà, tức là xuất khẩu tại chỗ. Một mình nỗ lực của Tú Thị không hy vọng giải quyết được điều này mà đòi hỏi có sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp. Về phần mình, “chúng tôi chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm thêu kỹ, trau chuốt, với tất cả tâm huyết của mình. Chúng tôi làm những gì trước hết mang lại cho bản thân niềm vui, sự thích thú và tin rằng sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều người” - Hà Trang chia sẻ.

Nhật Linh