Khởi nghiệp bằng vốn chính sách

- Thứ Sáu, 19/07/2019, 07:53 - Chia sẻ
Được coi là những khoản vay vi mô nhưng tín dụng chính sách ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng, giúp nhiều thanh niên vùng sâu, vùng xa khởi nghiệp thành công, từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Không còn “tiền treo gác bếp”

“Vay vốn về để gác bếp, đến ngày đáo hạn thì trả ngân hàng” có lẽ là chuyện “xưa như trái đất” với các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giờ đây, từ nguồn vốn ưu đãi cộng với sự tích cực vận động tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương, tổ chức hội đoàn thể, cán bộ NHCSXH trên khắp những thôn bản đã giúp các hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.


Nhờ nguồn vốn ưu đãi, chị Nguyễn Thị Thìn, dân tộc Chăm ở xã Mỹ Hiệp, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận đã có vốn đầu tư trồng nho, táo cho thu nhập ổn định 
Ảnh: Trần Việt

Thanh niên Lò Văn Binh, ở bản Pa Pe, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu là một ví dụ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo lại có đông anh chị em, đất sản xuất không có nhiều, lương thực sản xuất ra không đủ ăn nên cuộc sống rất khó khăn. Sổ Hộ nghèo đã đưa chàng thanh niên Lò Văn Bình đến với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Năm 2008, với món vay đầu tiên 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, anh Bình mua trâu sinh sản, lấy sức kéo và nuôi thêm lợn. Nhờ cần cù chịu khó và chăn nuôi thuận lợi, sau 3 năm anh Bình trả hết nợ, tiếp tục được vay 30 triệu đồng để tăng quy mô đàn trâu.

Năm 2017, gia đình Lò Văn Bình đã hoàn toàn thoát nghèo. Đúng 9 năm kể từ ngày bén duyên với đồng vốn chính sách, từ hai bàn tay trắng, Lò Văn Bình đã có trong tay cơ ngơi đáng nể là ao cá 300m2, nhà cấp 4 rộng 100m2, đàn trâu vài chục con… Một cơ ngơi đủ để gia đình trẻ nơi vùng cao sinh sống ổn định và bền vững.

Cũng đi lên bằng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình anh Phạm Văn Choang, chị Đinh Thị Sóc, ở thôn Diệp Hạ, xã Thanh An, huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành gương sáng về thay đổi tư duy trong làm kinh tế để thoát nghèo ngay tại quê hương. Năm 2006, bắt đầu với khoản vay 5 triệu đồng để trồng 2ha keo, lai; 10 năm sau, anh chị Choang, Sóc  mở rộng quy mô trồng keo lên 10ha… Đến nay, từ vườn keo lai, người chồng đã có vốn để học nghề sửa chữa xe máy và mở cửa hàng sửa chữa xe máy ngay trung tâm xã… Còn “vườn keo lai, tôi giao lại cho vợ chăm sóc; ước tính, khoảng hai năm sau sẽ cho thu hoạch; trừ chi phí, thu lãi khoảng 500 triệu đồng” - anh Choang nói.

Hai điển hình ở hai vùng miền khác nhau, nhưng có một điểm chung là từ đồng vốn nhỏ, đã giúp các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để vươn lên. Đó là thành công mà không thể có được trong một sớm, một chiều mà là kết quả NHCSXH đã vun đắp trong nhiều năm qua.

Tín dụng chính sách tạo nhiều cơ hội cho thanh niên!

Đến 30.6.2019, đã có 24.729 tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý với tổng dư nợ trên 26.588 tỷ đồng, chiếm 13,45% tổng dư nợ uỷ thác với gần 1 triệu khách hàng được vay vốn chính sách; có 99,88% số tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 1.134 tỷ đồng, tăng 87,5 tỷ đồng so với năm 2018.

Đó là nội dung được Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương khẳng định tại Hội nghị giao ban công tác ủy thác 6 tháng đầu năm 2019 giữa NHCSXH và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên nói chung mà đối với thanh niên dân tộc, vùng sâu thì đây thực sự là cứu cánh giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống; có thêm cơ hội học tập, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững và khởi nghiệp… Tính đến ngày 30.6, tổng dự nợ vốn ủy thác trong hệ thống Đoàn thanh niên đạt trên 26.588 tỷ đồng, tăng 2.928 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, tăng 1.753 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Trong đó, tỷ lệ quản lý ủy thác của hệ thống Đoàn thanh niên trong tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH chiếm 13,45%.

Để tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên trong học tập và có việc làm bền vững, ông Nguyễn Anh Tuấn mong muốn, NHCSXH ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ thanh niên trong phong trào khởi nghiệp, triển khai cho vay theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; bổ sung và tăng nguồn vốn vay cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (Quỹ 120) để hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên nông thôn; tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành đoàn tập huấn công tác quản lý, sử dụng vốn vay cho cán bộ Đoàn...

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị, từ nay đến cuối năm, Ban Thanh niên Nông thôn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Nông thôn tham mưu văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc củng cố nâng cao chất lượng, hoạt động tín dụng ủy thác; yêu cầu các tỉnh, thành đoàn thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, giám sát theo kế hoạch của Ban Quản trị Hội đồng Quản trị và có báo cáo gửi về Trung ương Đoàn.

Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường công tác tập huấn, trang bị thông tin, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn tại cơ sở về việc hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên vay vốn ủy thác. Đoàn thanh niên tiếp tục phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương thực hiện tốt sơ kết Chỉ thị số 40 và Cuộc thi tìm hiểu về Chỉ thị số 40 về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các mô hình, gương thanh niên vươn lên thoát nghèo thông qua vay vốn ủy thác của Đoàn…

Bình Nhi