Khởi nghiệp “nghẽn” vì thủ tục hành chính

- Thứ Năm, 05/12/2019, 17:09 - Chia sẻ
Trào lưu khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp (DN) mới, nhất là khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta đã có từ nhiều năm nay, với việc hình thành nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến…Tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính đang cản trở sự phát triển của DN khởi nghiệp sáng tạo, khiến DN vuột mất nhiều cơ hội.

Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC và một số văn bản pháp luật liên quan, doanh nghiệp phải nộp lệ phí 50.000 đồng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại các phòng đăng ký kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp lại phải làm một thủ tục khác và phải nộp lệ phí 100.000 đồng để công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.

Điều đáng nói, cả 2 thủ tục này có nội dung như nhau và đều được tiến hành tại 1 phòng đăng ký kinh doanh, tức doanh nghiệp phải nộp phí 2 lần. Đối với mỗi doanh nghiệp khoản phí này không đáng kể, nhưng với mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, khoản nộp thêm cũng lên đến 10 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần IV, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: “Nhiều người hỏi tôi vì sao DN thích sang Singapore khởi nghiệp, tôi chỉ có thể nói rằng đó là vấn đề của thị trường, khi cơ chế chính sách nhiều rủi ro nên họ phải đi chỗ khác để khởi nghiệp”.

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ): 73% DN cho rằng rào cản liên quan đến cơ chế chính sách do thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; 46% cho rằng do chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước; 36% cho rằng do sự thay đổi đột ngột và bất định về chính sách… Chính phủ có hàng loạt chính sách hỗ trợ DN, trong đó có cải cách mạnh thủ tục hành chính, nhưng chỉ có 27% DN được khảo sát đánh giá cao nhóm giải pháp này.

Hiện có tới 34% DN gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy, 29% DN gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

Chính vì rào cản thủ tục hành chính hiện nay, để thành lập, nắm bắt thời cơ, nhanh chóng đi vào hoạt động, DN buộc phải tìm cách đối phó. Điều này dẫn đến việc DN khởi nghiệp đăng ký thành lập DN ở quốc gia khác đã không còn là trường hợp đơn lẻ. Hoặc các DN khởi nghiệp sáng tạo thường hình thành nhanh chóng, thay đổi vốn góp liên tục, thoái vốn nhanh. Nhiều DN chỉ hoạt động trong một giai đoạn nhất định để đáp ứng nhu cầu của thị trường, của nền kinh tế. Sau đó, DN có thể giải thể và thành lập mới, đầu tư theo hướng khác.

Với con số chưa đến 10% doanh nghiệp có thể tồn tại và trụ được trên thương trường mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần IV, các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý quy định các định chế, pháp chế riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang thiếu và yếu, cản trở các startup gia nhập thị trường và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tham gia hỗ trợ khởi nghiệp. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11.3.2018 của Chính phủ Quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo mặc dù đã tiến bộ hơn so với nhiều văn bản trước đó. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố khó khả thi cho cộng đồng startup Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, chưa có quy trình pháp lý hay quy định nào cụ thể về việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào và rút vốn ra khỏi các DN khởi nghiệp nên nhà đầu tư khá e ngại trong vấn đề bảo toàn nguồn đầu tư cho các DN Việt Nam. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ mới cũng gặp rất nhiều thủ tục cản trở.

Bà Đoàn Thu Nga - Giám đốc Công ty TNHH Lawpro phân tích: “Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn có những pháp chế, định chế thực sự cụ thể hơn trong câu chuyện về gọi vốn, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận được và dễ dàng đón nhận vốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quy định về gọi vốn trong Nghị định 38 cũng chưa thực sự rõ ràng. Quy định về tiêu chí định giá doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chưa thực sự sắc nét. Yếu tố chúng tôi quan tâm nhất lại rất khó thực thi đó chính là yếu tố lập quỹ, mặc dù Nghị định 38 có đề cập đến”.

Quy định và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang ngày càng được hoàn thiện nhưng nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế. Hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện đang vẫn thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới này. Đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khó tiếp cận vốn và hoạt động. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy các công nghệ ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Xuân Tùng