Trung Quốc

Khôi phục khu vực sản xuất

- Chủ Nhật, 12/04/2020, 08:31 - Chia sẻ
Sau gần hai tháng đình trệ do tác động của dịch Covid-19 trên toàn quốc, kinh tế Trung Quốc đã tái khởi động vào ngày 12.3, với hàng loạt các chính sách và biện pháp thúc đẩy kinh tế đi vào khôi phục sản xuất, theo phương châm lấy doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, liên kết hành động từ Trung ương đến địa phương, kết hợp nội - ngoại lực.

Ưu tiên ngành nghề trọng điểm

Các ngành chế tạo Trung Quốc thành lập tổ công tác chuyên trách, nhằm giải phóng sức lao động tại các ngành nghề trọng điểm; thúc đẩy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ổn định mặt bằng chung của những khu kinh tế trọng điểm.

Về những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, Quốc vụ viện Trung Quốc yêu cầu thúc đẩy các biện pháp khôi phục hoạt động sản xuất của những ngành chế tạo và lưu thông hàng hóa; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa hàng không quốc tế của Trung Quốc, nỗ lực ổn định chuỗi cung ứng. Tại các địa phương, Trung Quốc cho phép hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện như cửa hàng bán buôn, bán lẻ, ăn uống, cửa hàng tiện lợi, dịch vụ vận tải… khôi phục hoạt động kinh doanh. Tại tâm dịch Hồ Bắc, sau khi hạ cấp độ rủi ro dịch bệnh của thành phố Vũ Hán xuống mức trung bình, tỉnh này cũng khôi phục vận chuyển hành khách đường sắt nội tỉnh từ ngày 8.4, khôi phục có hạn chế các chuyến bay thương mại, tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn đạt hơn 95%, tỷ lệ đi làm lại của người lao động đạt 70%. Nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm tại Vũ Hán đã mở cửa phục vụ người dân mua sắm.

Nhìn chung, tình hình khôi phục hoạt động và sản xuất của ngành chế tạo Trung Quốc có nhiều tiến triển tích cực. Các nhóm sản xuất trọng điểm như vật tư phòng dịch, nhu yếu phẩm, nông nghiệp, thương mại quốc tế, công nghệ cao… đạt con số khôi phục ấn tượng. Trong giai đoạn đầu của khôi phục kinh tế, Trung Quốc đã phân nhóm doanh nghiệp trọng điểm, lần một gồm 51 doanh nghiệp đầu tàu và 7.300 doanh nghiệp cung ứng, lần hai gồm 41 doanh nghiệp đầu tàu và 379 doanh nghiệp cung ứng. Năng lực sản xuất của nhóm này hiện đã xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Về các biện pháp khôi phục sản xuất, Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, hoàn trả bảo hiểm thất nghiệp với tổng trị giá 22,2 tỷ nhân dân tệ (3,17 tỷ USD) cho 1,46 triệu doanh nghiệp không sa thải hoặc sa thải ít nhân viên; trong tháng 2 đã miễn giảm 123,9 tỷ nhân dân tệ (17,7 tỷ USD) phí bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; cấp khoản kinh phí 800 triệu nhân dân tệ (114 triệu USD) hỗ trợ tiền công cho lao động nông thôn không thể quay lại thành phố làm việc để tham gia các dự án công ích nông thôn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc dự kiến phát hành công trái đặc biệt, quy mô phát hành từ khoảng 2.000 - 4.000 tỷ nhân dân tệ (285 - 570 tỷ USD), tương đương khoảng 2 - 4% GDP, để ứng phó với tác động của dịch bệnh đối với kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích thích tiêu dùng của người dân. Ngày 30.3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm ra thị trường 50 tỷ nhân dân tệ (7,14 tỷ USD) thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược có kỳ hạn bảy ngày với lãi suất 2,2%, giảm 20 điểm cơ bản (2,4%) so với kỳ trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6.2015.

Hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp

Kể từ khi công bố tình hình dịch bênh lây lan ở thành phố Vũ Hán, Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ đáng kể và có trọng tâm dành cho doanh nhân, cá nhân và doanh nghiệp, tập trung vào các công ty sản xuất thiết bị cần thiết cho thế giới để đối phó với đại dịch.

Trước cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ thanh khoản nhằm tiếp tục hoạt động và duy trì các liên kết có lợi trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, Bắc Kinh đã cố gắng tăng cường thanh khoản, hỗ trợ nợ, tài trợ vốn, giảm phí và thuế cho các công ty vừa và nhỏ để duy trì kinh doanh, duy trì việc làm cho công nhân, bảo đảm vật tư y tế cùng các nhu yếu phẩm khác trong sản xuất. Nhằm giúp các công ty và cá nhân có tính thanh khoản, Trung Quốc đã ra lệnh cho các ngân hàng gia hạn các khoản vay hoặc đảo nợ mà không phạt hoặc báo cáo tín dụng tiêu cực; giảm bớt các quy tắc cho những người vay sử dụng cổ phiếu của công ty làm tài sản thế chấp, nới lỏng hiệu quả các yêu cầu ký quỹ để những người vay này không bị buộc phải bán cổ phần trong khi định giá bị giảm.

Về mặt tài chính, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bảo đảm một số công ty có quyền tiếp cận khoản vay bằng cách vốn hóa các ngân hàng khu vực và hướng dẫn những ngân hàng này chuyển tiền cho các công ty đang đi đầu trong sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ hậu cần trong cuộc chiến chống Covid-19. Cơ quan quản lý cũng nới lỏng các tiêu chuẩn niêm yết cho các công ty tìm kiếm nguồn vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, Chính phủ cắt giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các công ty ở tỉnh Hồ Bắc, miễn cho các doanh nghiệp nhỏ thực hiện nghĩa vụ đóng phí vào hệ thống an sinh xã hội trong thời gian này và ngừng thu phí, thuế địa phương.

Điểm khác biệt đáng chú ý so với nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Nhật Bản… là Trung Quốc không thực hiện cấp tiền trực tiếp cho người lao động bởi những lý do sau: Các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đóng vai trò là mạng lưới an toàn tài chính cho nhiều người lao động. Không giống Mỹ, nơi nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ không có nhiều khoản tiết kiệm, khoảng 60% các công ty Trung Quốc có tiền mặt để duy trì hoạt động và mức độ việc làm hiện tại trong ba tháng. Điều này cho phép Chính phủ Trung Quốc có thêm thời gian để tung ra đợt trợ cấp lớn hơn trong tương lai gần, trong đó có thể bao gồm việc phát phiếu giảm giá nhằm khuyến khích người dân mua sắm thay vì tiết kiệm.

Mặc dù vậy, những nỗ lực của Bắc Kinh vẫn chưa hoàn toàn chặn đứng tổn thất kinh tế do đại dịch gây ra. Các công ty của Trung Quốc phần lớn bị tê liệt và giá trị gia tăng công nghiệp (thước đo của các công ty tư nhân đóng góp vào GDP) giảm 26% trong tháng 2 do tỷ lệ thất nghiệp tăng. Ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở Trung Quốc thì quốc gia này vẫn là nền kinh tế nặng xuất khẩu. Do đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất dễ bị tổn thương trước khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn để vượt qua đại dịch.

Nhật An
Theo Chicago Booth Review