Thảo luận tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVI

Khơi thông các “điểm nghẽn”

- Thứ Tư, 29/07/2020, 06:04 - Chia sẻ
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVI đã tập trung chỉ rõ nguyên nhân và các giải pháp khắc phục nhiều “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng sớm khắc phục nhằm kịp thời khơi thông lực cản, tạo thế và lực để Hải Dương hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2020 và cả giai đoạn.

Bảo đảm cân đối thu - chi

Có thể khẳng định, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 hết sức nặng nề song nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân toàn tỉnh, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Hải Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn vẫn tăng 2,86% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 10.975 tỷ đồng (đạt 58,8% kế hoạch năm). Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, tỉnh cũng đang phải tập trung khắc phục nhiều khó khăn. Trong đó, các khoản thu giảm đáng kể, cụ thể: Thu nội địa ước đạt 7.259 tỷ đồng, (giảm 26,8% cùng kỳ), doanh thu từ du lịch giảm 62% so với cùng kỳ. Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Phạm Minh Phương nhận định: Từ nay đến cuối năm, nếu dịch bệnh không được khống chế thì các doanh nghiệp sẽ thực sự “đuối sức”. Do vậy, cần có sự hỗ trợ và đồng hành từ chính quyền giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng phát biểu tại thảo luận tổ.
Ảnh: Thanh Bình

Tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp, không ít ý kiến bày tỏ lo lắng về việc thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo các đại biểu, thực tế này đòi hỏi tỉnh phải có các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, tạo động lực phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần quyết liệt trong cân đối thu chi, tiết kiệm chi, tránh phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, nếu nguồn thu ngân sách gặp khó khăn có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phấn đấu Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2035. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu cũng như giảm tải việc chi ngân sách, tỉnh cần tập trung đầu tư nguồn lực cho các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, phân cấp cụ thể để tăng tính chủ động của mỗi đơn vị, gắn trách nhiệm của từng địa phương như đang triển khai hiệu quả tại: TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Kinh Môn. Theo đại biểu Thưởng, nhờ sự phân cấp cụ thể đã giúp Chí Linh từ một địa phương nghèo đến nay trở thành đô thị loại 3.

“Cần xây dựng kế hoạch sử dụng đầu tư tại mỗi địa phương và có sự công bằng trong đầu tư, không để sự chênh lệch phát triển giữa địa phương này với địa phương khác. Đồng thời, mỗi địa phương cần tổ chức đánh giá tốt năng lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chỉ nên phê duyệt những dự án đầu tư vào khu công nghiệp nhằm đồng bộ hóa sự phát triển cũng như dễ quản lý. Không vì lợi ích trước mắt mà phê duyệt duyệt các dự án tại những khu vực ngoài cụm công nghiệp”, đại biểu Thưởng đề xuất.

Giải bài toán về xử lý rác thải

Tại các tổ thảo luận, vấn đề xử lý rác và chất thải trong quá trình phát triển đô thị hóa cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Những năm gần đây, lượng rác thải ngày một nhiều hơn song tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp. Đại biểu Nguyễn Khắc Toản cho rằng: Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải là việc làm cấp bách hiện nay để giải quyết vấn đề rác thải hàng ngày. Trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí môi trường được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; ý thức người dân chưa có nhiều chuyển biến… dẫn tới bức xúc từ người dân khi có dự án xử lý rác có quy mô lớn được xây dựng tại địa phương.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng cho biết: Hiện nay, rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh mới dừng lại ở việc chôn lấp, chưa có biện pháp xử lý triệt để dẫn tới phải liên tục mở rộng diện tích chôn lấp. Theo đại biểu, trong quy hoạch đất đai giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh cần lựa chọn khu xử lý rác tập trung, xây dựng nhà máy xử lý theo khu vực mang tính chất liên vùng và lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực để áp dụng các công nghệ xử lý rác tiên tiến của thế giới. Trong đó, lựa chọn nhà đầu tư và quy trình công nghệ tiên tiến được coi là giải pháp mang tính bền vững trong việc xử lý rác thải. Mặt khác, cần quan tâm giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm do nhà máy rác thải gây ra tại các địa phương. Đây được xem là vấn đề hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ lo lắng của người dân trong việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác; đồng thời, cũng tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi rót vốn vào các dự án xử lý rác thải trên địa bàn.

Thanh Bình