Khống chế và loại trừ bệnh dại

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị động vật cắn. Hiện nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh, thành phố vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại, song công tác phòng chống bệnh còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nguy hiểm nhưng còn thờ ơ

Tại Hội nghị Tăng cường các biện pháp liên ngành phòng, chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc được tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho biết, 7 tháng năm 2019, cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Công tác phòng, chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, song đến năm 2018, tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại tăng hơn so với năm 2017. Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Theo các chuyên gia, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị động vật cắn. Chưa kể, hiện nay công tác phòng chống bệnh dại còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, tình trạng đàn chó ở vùng miền núi, nông thôn thường thả rông nên việc bắt chó để tiêm phòng, xử lý khi dịch bệnh xảy ra gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp (51%), chưa đạt ngưỡng khống chế.

Trong khi đó, theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, các cấp ủy, chính quyền xã, xóm ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong việc quản lý đàn chó mèo nuôi; tại nhiều địa phương ý thức của người dân còn hạn chế trong việc thực hiện tiêm phòng vaccine cho đàn chó. Hiện vẫn chưa thực hiện xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về tiêm phòng, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ chó, mèo; vẫn còn có trường hợp bị chó mèo cắn nhưng không tới cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc. Đặc biệt, người dân còn khó khăn trong việc tiếp cận vaccine phòng bệnh dại, bởi giá vaccine nhập khẩu còn cao so với thu nhập, trong khi số điểm tiêm phòng dại dịch vụ chưa bao phủ tất cả các huyện, thậm chí ở một số thời điểm còn khan hiếm vaccine…


Tiêm phòng bệnh dại cho bệnh nhân tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên
Nguồn: ITN

Chủ động phòng, chống

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, bệnh dại còn xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Vì vậy, các địa phương cần chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung và bệnh dại nói riêng. Việc thực hiện công tác phòng chống dịch cần huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân để đạt được hiệu quả cao. Đây là giải pháp hết sức quan trọng để khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho rằng, cần thiết phải tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên bằng nhiều hình thức từ báo, đài, hệ thống loa truyền thanh thôn xóm, tờ rơi, ký cam kết… trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó và nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với con người và biện pháp phòng tránh. “Tuyên truyền để mọi người không được chủ quan và khi bị chó, mèo cắn phải chủ động đến cơ quan y tế để được khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị” - ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vaccine dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, làm tốt công tác rà soát, thống kê, cũng như lập sổ theo dõi số hộ nuôi chó sẽ góp phần hỗ trợ công tác tiêm phòng vaccine dại triệt để. Đặc biệt, cần thiết phải tăng số điểm tiêm vaccine và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine dại cho đàn chó.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện hệ thống giám sát, chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại trên động vật đã được đầu tư và đi vào hoạt động; đã xây dựng và đưa vào sử dụng thêm 3 phòng xét nghiệm bệnh dại của ngành thú y. Hiện nay, phần mềm quản lý phòng chống bệnh dại đang được nghiên cứu phát triển, dự kiến triển khai sử dụng trên toàn quốc sau năm 2019.

Vân Phi