Không chỉ “đề cao trách nhiệm” mà phải “xử lý trách nhiệm”

- Thứ Năm, 14/11/2019, 08:19 - Chia sẻ
Phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại phiên giám sát tối cao hôm qua, 13.11, các ĐBQH đều cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Vì thế, công tác PCCC phải gắn với trách nhiệm của các cơ quan, cụ thể là chính quyền địa phương các cấp và vai trò giám sát của cơ quan dân cử. Cần xem xét chế tài xử lý, kỷ luật, bảo đảm tính nghiêm minh, trong đó, với người đứng đầu chính quyền các địa phương để xảy ra các vụ cháy lớn, nghiêm trọng thì không chỉ “đề cao trách nhiệm” mà phải xử lý trách nhiệm tương xứng.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định): Thủ tục quá rườm rà hay cố tình chây ì, lách luật?

Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát, kết quả điều tra, xử lý 50 vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản giai đoạn 2014 - 2018 và thực tiễn giám sát, tôi kiến nghị làm rõ hơn một số vấn đề:

Thứ nhất, vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy cùng với đó là nhiều văn bản dưới luật mà vẫn còn nhiều công trình có nguy cơ về cháy nổ được đưa vào sử dụng khi chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC? Kết quả giám sát đã “chạm” được nhiều vấn đề lớn, nhưng vẫn cần làm rõ nguyên nhân. Có phải do thủ tục quá rườm rà hay là do chủ doanh nghiệp cố tình chây ì, lách luật? Hàng nghìn công nhân, lao động, người dân đang sinh sống, lao động, học tập ở những công trình này có được an toàn hay không? Để có phương án xử lý nghiêm minh, chính xác và làm gương, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, tôi kiến nghị Đoàn giám sát của QH cần thống kê cụ thể danh sách, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương có biện pháp khắc phục đối với từng công trình cụ thể để xử lý dứt điểm những “quả bom nổ chậm” này. Đồng thời, QH nên có giám sát lại kết quả thực hiện kiến nghị của QH.

Thứ hai, Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cộng đồng trong công tác PCCC. Những quy định pháp luật này rất rõ ràng. Khi vụ việc xảy ra, các cơ quan điều tra cũng chỉ rất rõ nguyên nhân trách nhiệm. Qua thực tế và qua nghiên cứu 50 vụ cháy nghiêm trọng được nêu thì nhiều nơi đã được kiểm tra, thanh tra nhiều lần, phát hiện, chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn và yêu cầu khắc phục nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thực hiện và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tôi đề nghị, cần phân tích sâu hơn về cách thức tiến hành, trách nhiệm, cũng như xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra giám sát để có đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và quy định trách nhiệm rõ hơn.

Qua thực tiễn địa phương, tôi rút ra vấn đề, công tác thanh tra rất quan trọng. Ở nhiều nơi, đoàn kiểm tra giám sát phải nắm vững quy định và phải có chuyên môn, kỹ thuật để khi đến cơ quan, doanh nghiệp thì chỉ ra được chỗ nào đúng, chưa đúng, chỗ nào cần phải khắc phục. Gắn với việc chỉ ra vi phạm thì cũng phải hướng dẫn, cảnh báo sát đáng và trong thực tiễn doanh nghiệp rất cần thông tin này. Khi đã tâm phục, khẩu phục, việc chấp hành sẽ cao hơn. Ngược lại nếu thanh tra, kiểm tra sơ sài, yếu về chuyên môn hoặc có dấu hiệu tiêu cực thì đây sẽ là nguyên nhân khiến đối tượng bị thanh tra, kiểm tra coi thường, dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật.

Tôi đề nghị, cần có riêng cơ chế xử lý để công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có trách nhiệm hơn. Không cần quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến cơ sở mà quan trọng là cơ chế xử lý kết quả như thế nào cho công khai, nghiêm túc, đến nơi, đến chốn. Trong đó, việc gắn trách nhiệm của các cơ quan, cụ thể là chính quyền địa phương các cấp, vai trò giám sát của các cơ quan dân cử là hết sức quan trọng. Cần xem xét chế tài xử lý, kỷ luật cho phù hợp, bảo đảm tính nghiêm minh và phát huy tác dụng trong chấp hành pháp luật. Xử lý nghiêm việc cố tình kéo dài thời gian, đối phó, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng về PCCC. Thực tế là có nhiều doanh nghiệp chấp hành việc xử phạt, nộp phạt nhưng mức phạt hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang): Trách nhiệm của ngành điện rất quan trọng

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật về PCCC ở cơ sở còn rất đơn điệu, rất nhạt nhòa, chủ yếu là phát tờ rơi yêu cầu các gia đình cam kết quản lý tốt vật liệu có nguy cơ dẫn đến cháy nổ trong gia đình, còn các vấn đề khác chưa được tuyên truyền đến nơi, đến chốn. Tuyên truyền chỉ mang tính định kỳ, phong trào nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, chưa thực hiện thường xuyên trong năm.

Hầu hết các nguyên nhân cháy nổ là do chủ quan, do bất cẩn hoặc do các sự cố về điện. Do đó, thông thường người dân ít để ý đến các vấn đề này, đến khi có sự việc xảy ra thì đã quá muộn. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao cả nhận thức và kỹ năng, quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Chúng ta không nói chung chung nữa mà phải gắn liền với những chế tài cụ thể. Có như vậy, biện pháp tuyên truyền mới có hiệu quả.

Phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương và của chính quyền địa phương trong việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhất là về hành lang, lộ giới, vi phạm về bản vẽ thiết kế, thay đổi công năng công trình... Điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật đối với lĩnh vực này mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn được kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất về thiệt hại có thể xảy ra, nhất là đối với thiệt hại về người chúng ta không thể nào bù đắp được.

Báo cáo giám sát ghi nhận 57,27% các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống thiết bị điện. Như vậy, trách nhiệm của ngành điện ở đây cũng rất quan trọng. Bên cạnh thực hiện việc cung cấp điện cho người tiêu dùng, ngành điện cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tư vấn, lắp đặt, phụ trợ kèm theo để vừa bảo đảm cung ứng điện cho người tiêu dùng được an toàn, tránh hoặc giảm thiểu thấp nhất các sự cố về điện khi phát sinh, nhất là đối với các hộ gia đình mà hệ thống truyền tải điện đã cũ, không đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, ngành điện cũng cần đẩy mạnh đầu tư thay mới các bộ phận truyền tải điện công cộng tại các trụ sở, tại các trụ điện, nhất là các trụ điện đã cũ, thay mới dây dẫn điện, bảo đảm yêu cầu truyền tải an toàn điện tại các khu vực dân cư.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Xử lý trách nhiệm không tương xứng

Chỉ trong một năm từ tháng 7.2018 đến thời điểm báo cáo đã có đến 43 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86,4% tổng số vụ cháy nghiêm trọng của 4 năm trước, trong đó nổi lên 3 địa phương gồm Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Đây đều là những địa phương phát triển về kinh tế, công nghiệp. Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta phát triển “nóng” quá hay là do trách nhiệm của các cơ quan liên quan? Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có đồng chí lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ. Tôi cảm giác xử lý không tương xứng.

Việc truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn nữa. Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn.

Nguyên nhân cháy nổ thì trước hết là do con người, tiếp đó là do thiên nhiên. Do thiên nhiên thì không thể truy cứu trách nhiệm được nhưng do con người thì dù là vô tình hay cố ý cũng đều phải truy cứu trách nhiệm. “Anh” lơ là, không quản lý, buông lỏng quản lý là đã phải truy trách nhiệm rồi chứ chưa cần nói đến trường hợp cố ý phóng hỏa. Có cử tri đã phản ánh với tôi trường hợp đốt chợ để phục vụ cho lợi ích nhóm, để xây dựng chợ mới. Nếu quả thực như thế thì chúng ta thấy rằng cháy không còn là vấn đề sơ suất nữa, không còn do chập điện nữa mà còn do chính con người. Vậy những vấn đề này có được điều tra, xem xét, truy tố trước pháp luật để trừng trị, để trả lời cho nhân dân và cử tri hay không? Vấn đề này chúng ta phải xem xét. Chúng ta phải không đặt vấn đề về trách nhiệm - ở đây không phải là “đề cao trách nhiệm” - mà phải là xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các cán bộ lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn. Tôi đề nghị nên bổ sung nội dung kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bên cạnh việc đề cao trách nhiệm ở Khoản 3, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết của QH. 

Nguyễn Bình ghi; Ảnh: Q. Khánh