Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2018)

“Không có bộ máy, không làm được gì”

- Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:41 - Chia sẻ
“Công tác nhân sự rất quan trọng, bởi không có bộ máy thì không làm được gì. Hơn nữa đấy cũng là sự chuẩn bị cho tương lai” - nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn nhớ lại thời kỳ ông làm lãnh đạo Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân (1997 - 1999).

Chuẩn bị cho tương lai

 “Không có thời kỳ đó thì không thể có những thế hệ lãnh đạo tạp chí và Báo Đại biểu Nhân dân sau này. Những bước phát triển của tờ báo về cơ bản trên nền tảng đó”.

Nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn

“Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tôi là công tác cán bộ, mặc dù cả tòa soạn khi ấy mới có 8 người. Tôi đã lên danh sách bộ khung lãnh đạo, trình Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội. Vụ Tổ chức - Cán bộ thắc mắc, các anh đã có phòng, ban gì đâu, lại chỉ có lãnh đạo mà không có quân? Tôi đã phải giải thích rằng, chúng tôi chuẩn bị đội ngũ để ra báo tuần, đây là những người có năng lực, để từ đó tạo nền tảng phát triển. Rất may, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội khi đó rất ủng hộ tạp chí, nhờ đó, 1 Phó Tổng Biên tập (Hồ Anh Tài - NV) và 2 Trưởng ban (Trưởng ban Biên tập Nguyễn Hoàng Thành và Trưởng ban Bạn đọc Nguyễn Văn Thúy - NV) đã được bổ nhiệm” - nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn kể.

Bộ khung cán bộ lãnh đạo được hoàn thiện, tạp chí bắt tay vào chuẩn bị cho giai đoạn tăng từ tháng 1 kỳ lên tháng 2 kỳ, số lượng phát hành duy trì khoảng 2 vạn bản (trong khi nhiều tạp chí chỉ vài trăm, có tạp chí còn lao đao), về tận HĐND cấp xã. Do nhân lực ít, tòa soạn vẫn duy trì cách làm từ thời kỳ trước, phóng viên không chỉ viết, biên tập tin/bài, mà còn đọc morat, đến nhà in... Nhân viên trị sự cũng cầm máy chụp ảnh. Khi đi địa phương, phóng viên cũng là người phát hành. Bên cạnh đó, tạp chí “sử dụng triệt để những người đang hoạt động trong Quốc hội và HĐND có khả năng viết lách. Họ có nhu cầu đọc, viết, trao đổi và trở thành một phần của tạp chí”.

Để tăng thêm uy tín, tạp chí đã thành lập Hội đồng Biên tập do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão làm Chủ nhiệm, cùng một số nhà khoa học. “Các anh đọc, biên tập bài cho tạp chí, đôi khi chúng tôi đặt các anh viết bài về hoạt động của Quốc hội và HĐND. Bạn đọc nhìn vào những cái tên đó càng thấy tin tưởng nội dung của tạp chí”.


Nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn (trái) và nguyên Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thúy xem lại số báo kỷ niệm 10 năm tạp chí Người Đại biểu Nhân dân
Ảnh: Ng.Anh

Đại biểu “đòi” mua tạp chí

Theo nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn, cuối những năm 1990, nhu cầu của HĐND các cấp về tạp chí Người Đại biểu Nhân dân thực sự rất lớn. “Hồi đó, hầu như không có tài liệu sách vở gì về hoạt động của HĐND. Vì thế, các đại biểu dân cử “đòi” mua tạp chí Người Đại biểu Nhân dân. Tỉnh Đắk Lắk đặt mua tạp chí phục vụ tới HĐND cấp xã, nhiều tỉnh khác cũng làm như vậy”.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, nhưng vấn đề cơ sở cần hoặc người dân quan tâm, hay đại biểu hoạt động gặp vướng mắc, khi nhận được phản ánh, tạp chí lại nghiên cứu, tìm người đặt viết bài làm rõ cơ sở lý luận, phổ biến những thông tin liên quan cần thiết. Nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn nhớ lại: “Không như bây giờ, những vấn đề địa phương đặt ra không được xử lý ngay, vì mỗi tháng tạp chí chỉ ra 1 - 2 kỳ. Ngay cả kỳ họp HĐND có những tỉnh cũng phải để đến tận tháng sau”.

Không chỉ được coi như cẩm nang hoạt động của đại biểu HĐND các cấp, tạp chí Người Đại biểu Nhân còn nhiều bài viết đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, mang tính phản biện cao đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, hoặc được cử tri và người dân quan tâm. Chính điều này góp phần làm nên “thương hiệu” của tạp chí. Nguyên Tổng Biên tập Lê Ngọc Toàn kể, khi Quốc hội bàn về Thủy điện Sơn La, “một hôm Thư ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi tôi sang thăm cụ và cụ đưa cho tôi bức thư tay gần 10 trang, gửi cho Chủ tịch Quốc hội. Điều đó cho thấy cụ tin tạp chí, bởi cụ có thể gửi thư theo đường công văn của Văn phòng cũng tới ngay”.

Nhật Linh