Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris

Không còn là lời đe dọa

- Thứ Tư, 06/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa nộp hồ sơ và chính thức thông báo với Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng, Mỹ đang rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và quá trình “ra đi” sẽ hoàn tất vào thời gian này năm tới sau khi giai đoạn chờ một năm kết thúc.

Khi Mỹ đánh trống bỏ dùi

Mặc dù tuyên bố rất dứt khoát hôm đầu tuần, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác toàn cầu của mình để tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như chuẩn bị và ứng phó với thảm họa thiên nhiên”.

Cuối năm 2015, gần 200 nước đã cùng nhau ký vào một thỏa thuận tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ tại Paris, cam kết ở cấp độ quốc gia sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Có hiệu lực từ 4.11.2016, văn bản trên yêu cầu mỗi nước sẽ tự đặt ra mục tiêu cho mình, trong khi các nước giàu, kể cả Mỹ, nhất trí sẽ giúp các quốc gia nghèo hơn trả những chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo Thỏa thuận, đến năm 2020, 100 tỷ USD/năm sẽ được cung cấp cho các nước đang phát triển. Cho đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất có ý định rút lui.

Theo ông Andrew Light, một cựu quan chức về khí hậu của Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng giúp phát triển Thỏa thuận khí hậu Paris, “Mỹ đang không hợp tác với phần còn lại của thế giới để đối phó với biến đổi khí hậu”. Thỏa thuận trên được thiết kế để có thể dễ dàng tham gia hơn là rời đi. Thậm chí, Mỹ từng giúp “trau chuốt” ngôn từ để yêu cầu các quốc gia phải chịu trách nhiệm đối với những cam kết mà họ đưa ra. 

Thật vậy, trong nhiều năm qua, ngay cả Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, mặc dù trải qua biến động kinh tế hoặc chính trị, nhưng không nước nào xin rút. Trong khi đó, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có ý định từ bỏ Thỏa thuận Paris vào mùa hè năm 2017. Vào thời điểm đó, ông còn mạnh miệng tuyên bố: “Kể từ hôm nay, Mỹ sẽ ngừng tất cả việc thực thi thỏa thuận”, bao gồm các chính sách của liên bang nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cũng như phần đóng góp của Mỹ cho quỹ khí hậu quốc tế. Theo ông, thỏa thuận trên đã áp đặt những tiêu chuẩn môi trường bất công lên các công ty và Chính phủ Mỹ, đồng thời là nguy cơ đối với nền kinh tế.

Mỹ từng cam kết giảm phát thải khí nhà kính ở tầm quốc gia xuống khoảng 1/4 vào năm 2025, so với mức năm 2005. Tuy nhiên, Washington đã không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó. Những năm qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã cố gắng đẩy lùi các giới hạn liên bang về khí thải carbon, bao gồm các quy tắc về mức độ ô nhiễm có thể phát ra từ các nhà máy sản xuất điện, xe hơi hay xe tải. Kết quả là, theo ông Rachel Cleetus, thành viên Liên minh các nhà khoa học Mỹ, lượng khí thải carbon của nước này thực sự đã tăng trong năm ngoái. Trên thực tế, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ hai toàn cầu.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Washington từ bỏ một thỏa thuận khí hậu quốc tế. Mỹ từng thất bại trong việc phê chuẩn Nghị định thư Kyoto 1997 mặc dù góp công tạo ra nó. Trong trường hợp Thỏa thuận Paris, Mỹ là một bên ký kết, nhưng gần như ngay lập tức đánh tín hiệu không có ý định theo đuổi trách nhiệm của mình.

Ông Light cho biết, khi Thỏa thuận Paris đang được đàm phán, phái đoàn Mỹ đã thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm nhằm bảo đảm các quốc gia ký kết sẽ thực sự tuân theo những gì cam kết. “Vậy mà, dù là người đã chỉ ra được những viễn cảnh có vấn đề với các nước khác, chúng ta dường như lại là vấn đề lớn nhất”. Theo ông Light, “nếu chúng ta chỉ là một nước nhỏ với lượng khí thải ít, vấn đề sẽ không có gì. Nhưng Mỹ lại là nước lớn, có quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu. Vì vậy, việc chúng ta tự cho mình có ngoại lệ sẽ kéo cả thế giới đi xuống”. Chắc chắn, các nỗ lực đối phó với tình trạng Trái đất ấm lên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

GS. Gregg Marland, chuyên nghiên cứu về khoa học môi trường thuộc Đại học Appalachian State, thậm chí ví von: “Chúng ta là cầu thủ lớn thứ 2, điều gì sẽ xảy ra với cuộc chơi nếu chúng ta lấy bóng và đi về nhà?”.

Không thể đảo ngược

Tuyên bố rời bỏ chính thức của chính quyền Mỹ đương nhiệm là không thể đảo ngược, trừ khi chính quyền Mỹ tương lai chọn cách tái gia nhập Thỏa thuận Paris. Được biết, quá trình rút lui sẽ kéo dài chừng 1 năm và sẽ chưa chính thức ít nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Theo các nhà quan sát, nếu một người khác giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm sau, vị tổng thống Mỹ tiếp theo đó có thể trở lại thỏa thuận trong chỉ 30 ngày và lên kế hoạch cắt giảm ô nhiễm carbon.

Một số nhà kinh tế Mỹ nhận định, Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới sẽ giành quyền lãnh đạo cuộc chiến chống ô nhiễm toàn cầu. Vì vậy, hình phạt đối với xứ sở cờ hoa không phải là những mất mát về kinh tế mà chính là sự xấu hổ, làm mất uy tín về khả năng lãnh đạo của mình.

Thỏa thuận khí hậu Paris đặt ra các mục tiêu giảm từ 0,5 độ C đến 1 độ C nhiệt độ toàn cầu so với mức hiện tại. Thậm chí, ngay cả khi các quốc gia đã nhất trí cam kết năm 2015, nó vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái đất. Thỏa thuận kêu gọi các quốc gia cứ sau 5 năm phải đưa ra biện pháp cắt giảm ô nhiễm tham vọng hơn, bắt đầu từ tháng 11.2020.

Biến đổi khí hậu, gây ra bởi tình trạng đốt các loại nhiên liệu hóa thạch, dầu và khí đốt, đã khiến thế giới nóng lên 1 độ C. Nó dẫn đến hiện tượng băng tan trên toàn cầu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt và làm biến đổi đại dương. Các nhà khoa học cho biết, tùy thuộc vào lượng carbon dioxide được phát thải, cuối thể kỷ này, nhiệt độ toàn cầu có thể vọt lên vài độ trong khi mực nước đại dương tăng gần 1m. 

Ngọc Minh