Không để dịch cúm A/H5N6 bùng phát

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:06 - Chia sẻ
Dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… buộc phải tiêu hủy hàng chục nghìn con vịt, gà, ngan... Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cấp, ngành, địa phương trên cả nước đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để dịch bùng phát, lây lan.

Xuất hiện nhiều ổ dịch

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6, cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…

Là huyện thuần nông nên ngành chăn nuôi có vai trò đặc biệt đối với người dân Nông Cống, Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, người chăn nuôi thường “đứng ngồi không yên” trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán - thời điểm “lý tưởng” để dịch cúm gia cầm bùng phát.

Ngày 3.2, gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ, thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang đã buộc phải tiêu hủy 350 con gà, 537 vịt, ngan do bị cúm A/H5N6. Cùng ngày, 8 hộ gia đình khác của 3 thôn, thuộc 2 xã Tân Khang, Tân Thọ cũng có đàn gia bị cúm A/H5N6, buộc phải tiêu hủy 19.803 con. Dịch bệnh đã khiến cho các hộ chăn nuôi vô cùng lo lắng, bởi tại huyện Nông Cống hiện có trên 150 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn với 1,2 triệu con. Cũng tại Thanh Hóa, ngày 4. 2, bệnh Cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại hộ ông Vũ Ngọc Việt, thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương khiến gia đình buộc phải tiêu hủy 3.280 con gia cầm. Ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết, tỉnh đến thời điểm này đã tiêu hủy hơn 23.000 con gà, vịt của 10 hộ dân ở các xã Tân Khang, Tân Thọ, Quảng Trường.


Các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm
Ảnh: Bách Hợp

Không chỉ ở Thanh Hóa, tại Hà Nội cũng đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 đầu tiên vào ngày 3.2 tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Lũy kế từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tới nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh đã tiêu hủy tổng số 6.807 con gia cầm. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng huyện đã tiêu hủy toàn bộ số vịt bị bệnh, lập chốt kiểm dịch, ngăn vận chuyển gia cầm ra khỏi khu vực, phun khử khuẩn và tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn bộ gia cầm trong huyện. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố có trên 31 triệu con gia cầm của trên 119.000 hộ, cơ sở chăn nuôi. Chi cục chăn nuôi và thú y đã triển khai tới các quận, huyện thị xã ra quân tiêu độc khử trùng toàn thành phố, đồng khuyến cáo người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh.

Ngoài Thanh Hóa, Hà Nội, trước đó vi rút cúm A/H5N6 cũng được phát hiện tại một số hộ gia đình ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tổng đàn gia cầm của cả nước khoảng 467 triệu con, dịch cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện thời tiết khí hậu mưa, ẩm, nhiệt độ xuống thấp, trong đó có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán nên nguy cơ lây lan rất cao.

Tránh “dịch chồng dịch”

Song song với việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, các địa phương trong cả nước cũng khẩn trương lên kịch bản đối phó với dịch cúm gia cầm nhằm hạn chế nguy cơ “dịch chồng dịch”. Tỉnh Bắc Giang đã chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi toàn bộ đường vào chuồng trại nuôi gà, lò mổ, chợ buôn bán thực phẩm; cấp gần 9.000 lít hóa chất khử trùng, yêu cầu mỗi xã dự trữ 10 tấn vôi, mỗi trại gà 1 tấn vôi để phòng dịch.

Đối với Nghệ An, là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, với 26.094 nghìn con, tỉnh đã tập trung tuyên truyền về diễn biến của dịch, cách phòng chống đến toàn thể người dân; bố trí lực lượng, phương tiện, tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại các địa phương; khuyến cáo đến người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không mua bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm trong vùng có dịch; tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại vùng có dịch…

Đối với Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thú y. Trong đó, nhấn mạnh người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan nếu để xảy ra bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn do lơ là, chủ quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh… Là “thủ phủ” chăn nuôi gia cầm của cả nước với tổng đàn khoảng 26 triệu con, các cơ quan thú y của Đồng Nai đã tăng cường kiểm tra việc vận chuyển gia cầm; triển khai biện pháp dịch tễ; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 - 2 lần/tuần…

Để chủ động ngăn chặn virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác, Bộ NN và PTNN đã gửi công điện khẩn yêu cầu các ban ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Các địa phương tập trung quyết liệt việc tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp qua biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lan virus cúm gia cầm vào trong nước. Thực hiện nghiêm túc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của virus cúm. Nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh và không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Các địa phương cần tăng cường giám sát tại khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch và virus lưu hành để xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng và lây virus cúm cho người. Các địa phương có dịch cần tiến hành tiêu hủy triệt để đàn gia cầm dương tính với virus cúm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y…

BÁCH HỢP