Không được phép "làm cho có"

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 06:14 - Chia sẻ

Hơn 4 năm đã trôi qua, nhưng sự cố môi trường biển xảy ra ở các tỉnh miền Trung do Nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra vẫn được nhắc đến như một ví dụ điển hình và một bài học đắt giá đối với việc đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư nói chung và tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường nói riêng. Tiếc là, đến nay, vẫn không khó để chỉ ra những ví dụ tương tự như vậy ở nhiều địa phương khác.

Từng đọc nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, ông Nguyễn Đăng Anh Thi, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và môi trường cho biết, khâu tham vấn cộng đồng đã chỉ làm cho có; phần lớn kết quả tham vấn chỉ dừng lại ở ý kiến một chiều của đại diện Ủy ban nhân dân hay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã mà không có ý kiến đa chiều của người dân, các chuyên gia độc lập.

Nhận xét của vị chuyên gia đã lý giải phần nào câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Tại sao dự án nào cũng nói đã đánh giá tác động môi trường rất bài bản, chặt chẽ nhưng nhiều dự án khi hoàn thành, thậm chí có khi còn chưa kịp hoàn thành, công trình chưa kịp đưa vào vận hành chính thức lại đã gây họa cho môi trường? Tại sao dự án nào cũng nói đã tham vấn cộng đồng về tác động môi trường, đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân hoặc người dân không có ý kiến gì, không phản đối nhưng khi sự cố môi trường xảy ra thì người dân ở chính địa bàn thực hiện dự án lại bị bất ngờ?

Thực tế cho thấy, người dân có rất ít thông tin về các dự án đầu tư, đặc biệt là các thông tin mang tính chuyên môn, chuyên sâu như tác động đến môi trường. Thông tin về những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường lại càng ít. Khi người dân không được cung cấp một “bức tranh” đầy đủ với những thông tin chính xác và minh bạch về tác động môi trường của dự án thì hệ quả tất yếu là kết quả tham vấn cộng đồng đối với đánh giá tác động môi trường sẽ chỉ có tác dụng “làm đẹp” hồ sơ dự án hoặc là “chỗ dựa” để chủ đầu tư biện minh, né trách nhiệm nếu việc thực hiện dự án gây tổn hại đến môi trường.

Cần nói thêm rằng, ngay từ đạo luật bảo vệ môi trường đầu tiên có hiệu lực thi hành vào năm 1993 đến nay, tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường của các dự án đã luôn được Quốc hội chú trọng và ngày càng hoàn thiện. Trong tư duy của các nhà lập pháp từ thuở ban đầu cho đến nay, chắc chắn, tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường không thể và không bao giờ chỉ là "làm cho có". Ngay dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội vừa qua cũng đã có những quy định khá chi tiết về tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trong đó, quy định: Chủ dự án có trách nhiệm tham vấn, lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của dự án về các vấn đề môi trường, xã hội và các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và xã hội. 

Dẫu vậy, với các quy định về đối tượng và phạm vi tham vấn như tại Điều 40 của dự thảo Luật vẫn chưa thể "bịt" được những kẽ hở trong thực tiễn hiện nay. Đối tượng tham vấn tuy khá nhiều (đại diện cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp...) nhưng hầu hết vẫn không phải là đối tượng có chuyên môn sâu, không có công cụ, phương tiện và dữ liệu thông tin để đánh giá, đo lường chính xác những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường. Ý kiến phản biện của cộng đồng đối với tác động môi trường của dự án vẫn chỉ để tham khảo còn tiếp thu hay không tùy thuộc vào chủ đầu tư và cơ quan thẩm định. Trong 7 khoản của Điều 40, dù quy định chi tiết cả thời hạn bao nhiêu ngày Ủy ban nhân dân các địa phương phải tổng hợp ý kiến của tổ chức, cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp từ các vấn đề môi trường của dự án (nếu có) để trả lời chủ dự án nhưng lại không có nội dung nào quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến này.

Vì thế, cơ chế tham vấn trong đánh giá tác động môi trường của dự án cần phải tiếp tục được hoàn thiện, để có thêm một công cụ hiệu quả giúp sàng lọc, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường. Trong đó, có ít nhất 3 vấn đề cần bổ sung: Một là, cơ chế, cách thức cụ thể trong việc cung cấp thông tin về tác động môi trường của dự án, có chế tài rõ ràng để chủ đầu tư phải thực hiện một cách trung thực, chính xác và minh bạch vấn đề này. Hai là, bắt buộc phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là với những dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ cao gây ô nhiễm, tổn hại môi trường. Ba là, cơ chế tiếp thu, giải trình các ý kiến, phản biện của đối tượng tham vấn để vừa ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư, vừa là cơ sở để cộng đồng dân cư, các tổ chức giám sát được việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của chủ đầu tư.

Hải Lam