Không phải là ban ân huệ...

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 12:43 - Chia sẻ
Công chức, viên chức, người lao động hay lãnh đạo... đến tuổi theo quy định thì về nghỉ hưu là lẽ thường. Nhưng cũng có người dù còn vài năm công tác nữa vẫn xin về hưu. Có người còn vài tháng nữa là đủ tuổi cũng "xin" về hưu. Lý do thì nhiều, nhưng tựu chung lại là tạo điều kiện cho người trẻ, tạo thuận lợi cho việc sắp xếp nhân sự... Có những người khi về hưu sớm đã để lại hình ảnh đẹp. Có những người, đăng sau chuyện xin nghỉ sớm lại để lại nhiều hoài nghi.

Như trường hợp của ông Nguyễn Sự cách đây 5 năm, lý do ông xin về hưu sớm là để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. Theo ông Sự, việc nghỉ hưu là tất yếu với bất cứ người nào và với ông là việc bình thường. Đến lúc cảm thấy có thể do tuổi tác hay do không nhất thiết phải tham gia nữa cũng nên rút lui, bởi có làm vài ba năm nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm từ vị trí Chủ tịch qua Bí thư là quá lâu, nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Cứ như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể sẽ cản trở sự đi lên của anh em. Mình ngồi đó, anh em sẽ không lên được. Mình làm lâu sẽ trở thành lão làng, hạn chế tư duy của anh em. Ngồi trước mặt mình, anh em cũng khó nói lên được những điều mới. Mình trở thành chỗ dựa cho anh em, dựa mãi lại hình thành thói quen ỷ lại...

Đó là chuyện hưu. Mới đây là chuyện xin thôi chức. Tại một tỉnh, cả Bí thư và Chủ tịch đều có đơn xin thôi chức - nhưng là trong bối cảnh Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có kết luận về những sai phạm của các vị này. Nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bình luận, không hiểu sau khi nhận quyết định kỷ luật, vì tự ái cá nhân hay động cơ gì mà lại phản ứng như vậy. Nếu thực tâm muốn sửa chữa, muốn tạo điều kiện cho tổ chức thì còn đảm đương nhiệm vụ ngày nào, phải có trách nhiệm với công việc đó... Việc xin thôi giữ chức không mang ý nghĩa về mặt hành chính, bởi trong hành chính chỉ có từ chức hoặc cách chức. Chưa nói đến vai trò là lãnh đạo cao nhất của tỉnh, mà với tư cách là đảng viên, cách làm đó là không chuẩn, làm khó cho tổ chức...

Việc xin nghỉ hưu trước tuổi là việc đáng hoan nghênh - chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên báo chí mới đây. Dù việc này là thực hiện theo Nghị định 26 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Trước đây, nhà nước động viên cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi nhưng nhiều người không nghỉ. Bây giờ nhiều người tình nguyện xin nghỉ thì nhà nước ủng hộ và đáng hoan nghênh. Vấn đề là các cơ quan xem có đúng quy định pháp luật hay không, nếu đúng nguyện vọng, đúng quy định thì giải quyết, không có vấn đề gì. Việc này cũng là chủ trương sắp xếp trước đại hội để chuẩn bị các phương án nhân sự cho khóa mới thuận tiện hơn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh. Nhiều người nghĩ còn 1, 2 năm ở lại cũng khó cho đơn vị, cho cơ quan sắp xếp bố trí nhân sự. Vì vậy nghỉ trước để tạo điều kiện cho cơ quan sắp xếp thuận lợi hơn và bản thân người nghỉ cũng được giải quyết chế độ chính sách. Họ cân nhắc giữa cái chung cái riêng đúng theo quy định thì nên ủng hộ.

Rõ ràng, khi thấy mình không xứng đáng, không đủ uy tín thì nên chủ động "rút lui". Và việc rút lui là đáng hoan nghênh. Vậy nhưng, điều quan trọng là việc này phải đúng quy định của pháp luật chứ không phải vì thế này, thế nọ mà "đành" phải xin nghỉ. Có lẽ tâm sự của ông Nguyễn Sự đã phần nào nói lên được vấn đề: Đã đến lúc mình cần rời vị trí thì phải rời. Một đoạn đường 21 năm với cương vị chủ chốt của thành phố, bây giờ mình đặt gánh xuống trao lại cho anh em có nghĩa là mình rời cái gánh lo toan rất nhẹ nhàng. Không phải đặt gánh xuống ban ân huệ cho anh em...

Linh Trang