Góc nhìn

Không phải là giải pháp hữu hiệu

- Thứ Năm, 18/07/2019, 07:29 - Chia sẻ
Sau một thời gian tạm dừng, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục đề xuất lắp 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm thành phố để giảm ùn tắc.

Với đề xuất này, 34 cổng thu phí sẽ được lắp đặt trên các tuyến đường thuộc quận 1, quận 3 và giáp ranh quận 5, quận 10 tạo thành vành đai khép kín thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, trên cơ sở đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đây, Sở đã nhiều lần lấy ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan liên quan. Gần đây nhất là ngày 14.6, Hội đồng Tư vấn về giao thông đô thị của thành phố đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai để lấy ý kiến về dự án. Các thành viên cơ bản thống nhất, ủng hộ chủ trương thực hiện dự án; chỉ thu phí đối với ô tô đi vào khu vực trung tâm (không thu chiều ra), chưa thu phí đối với xe mô tô, gắn máy...

Thực tế, đề xuất thu phí xe ô tô khi vào trung tâm TP Hồ Chí Minh không phải là mới mà đã được nghiên cứu từ năm 2010 nhưng sau đó thành phố đã tạm dừng thực hiện đề án. Đến đầu năm 2017, thành phố tiếp tục giao cho ITD tái khởi động. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến phản biện, đã có nhiều ý kiến trái chiều nên chưa thể triển khai.

Bên cạnh đó, chủ trương thu phí phương tiện giao thông khi vào khu vực trung tâm thành phố không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đề xuất mà TP Hà Nội cũng đã từng đưa ra và cũng đã từng quyết liệt triển khai thực hiện. Điểm chung để có đề xuất này của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều nhằm giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Và một điểm chung nữa là cho đến nay, chưa có địa phương nào triển khai thực hiện được bởi cùng vấp phải sự phản ứng của dư luận.

Có thể thấy ngay điểm bất hợp lý ở đây chính là mục đích giải quyết vấn đề. Ùn tắc giao thông nói chung và ùn tắc ở khu vực trung tâm nói riêng là do cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng nhu cầu. Bởi vậy thì giải pháp đầu tiên phải được nhắc đến là cơ sở hạ tầng. Tiếp đó là phát triển các loại hình giao thông khác để người dân có thể sử dụng khi có nhu cầu vào trung tâm. Biện pháp cuối cùng mới là cấm hoặc thu phí. Thế nhưng, xem ra, những biện pháp khác chưa được các cơ quan chức năng nhìn nhận một cách khách quan và đúng mức mà chỉ chú trọng vào biện pháp thu phí hoặc cấm.

Phải khẳng định rằng, thu phí hay cấm lưu thông không phải là biện pháp hữu hiệu duy nhất (chưa xét đến có phù hợp với các quy định của pháp luật về phí, lệ phí hay không) để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Bởi cái chính là quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng. Khi quy hoạch không theo kịp được sự phát triển thì tất yếu sẽ dẫn đến quá tải. Khi đó, muốn giải quyết được vấn đề cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chứ không phải là một, hai giải pháp đơn lẻ, giải pháp mang tính tình thế, vội vàng, phi thực tiễn, thậm chí trái luật.

Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng thành việc thu phí phương tiện giao thông. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã từng có đề án thu phí ô tô vào nội đô nhằm hạn chế xe cá nhân nhưng sau một thời gian đã phải rút lại vì không phù hợp với thực tế. Bởi vậy, đề xuất lập trạm, thu phí cần được xem xét một cách cẩn trọng.

Khánh Ninh