Bạn đọc viết

Không thể giám sát vì không minh bạch!

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:27 - Chia sẻ
Trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp, nhất là chỉ tiêu không gian công cộng của Hà Nội đang thấp hơn so với mục tiêu 2,7m2/đầu người, việc tận dụng và chuyển đổi diện tích đất của các nhà máy sau khi di dời khỏi nội thành để phát triển không gian công cộng là một giải pháp phát triển bền vững. Song, điều này vẫn chưa được thực hiện.

Theo lộ trình năm 2020, Hà Nội dự kiến di dời 117 cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục ra khỏi 12 quận, huyện và những diện tích này sẽ được chuyển đổi thành không gian công cộng. Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã xử lý 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời 67 cơ sở của cả Trung ương và Hà Nội. Hiện, Sở Tài Nguyên và Môi trường cùng với các sở, ngành, quận đang tiếp tục rà soát danh mục hơn 100 cơ sở sản xuất. 

Tuy nhiên, với tiến độ như hiện tại và tình hình phức tạp của Covid-19, mục tiêu di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội ra khỏi nội thành từ nay đến cuối năm gần như bất khả thi. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như, quy định và cơ chế chưa kịp hoàn thiện; năng lực của chính quyền các đô thị; sự bất cân xứng lợi ích và không tìm được tiếng nói chung giữa Nhà nước, người dân và chủ đầu tư làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng và thời gian di dời; đặc biệt là ở cơ hội thực hiện quyền giám sát của người dân.

Bởi, cho đến nay, người dân không biết 117 cơ sở phải di dời là những cơ sở nào, các tổ chức độc lập hành động vì cộng đồng cũng không nắm được, dù danh sách đã được chốt từ lâu và thời gian thực hiện chỉ còn 5 tháng. Nói cách khác, không thể điểm danh, không nắm được nội dung quy hoạch và tình trạng xúc tiến, nên không một ai có thể tham gia thúc đẩy hoặc giám sát quá trình di dời các cơ sở này.

Có thể thấy rõ điều này hơn qua việc di dời các cơ sở công nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân thời gian vừa qua. “Thủ phủ công nghiệp” một thời của Hà Nội với một loạt nhà máy nổi tiếng như Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Cơ khí Hà Nội… nay đã biến thành các khu đô thị, nhà cao tầng, tổ hợp văn phòng - thương mại. Vậy nhưng người dân vẫn gần như không biết quá trình đó đã diễn ra như thế nào.

Thậm chí, trong gần 20 năm trở lại đây, có rất nhiều nhà máy đã rời khỏi thành phố như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy dệt, nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy ô tô Ngô Gia Tự… nhưng không thấy xây dựng thành không gian công cộng.  Theo một khảo sát thực trạng di dời 39 nhà máy ở 2 quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng, 19 nhà máy đã được chuyển đổi thành chung cư thương mại hoặc biệt thự liền kề. Điều này không nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân sống xung quanh các nhà máy di dời.

Như vậy, để có thể tận dụng những diện tích đất từ các dự án di dời nhà máy, cơ sở công nghiệp, mở rộng không gian công cộng cho phúc lợi xã hội, đồng thời để giảm áp lực giao thông và dân cư trong khu vực lõi, cùng với việc phải rà soát quá trình triển khai các văn bản pháp luật liên quan, cần thiết phải tăng cường cơ chế giám sát của người dân, thông qua việc công khai minh bạch các thông tin về các dự án và quá trình di dời. Song song đó, chính những người dân đô thị cũng cần tham gia cùng các tổ chức, cá nhân vào việc lên ý tưởng, thiết kế xây dựng không gian công cộng cho các khu vực dân cư trong đô thị.

Hiểu Lam