“Không xảy ra mới là tốt”

- Thứ Hai, 03/08/2020, 07:48 - Chia sẻ
Việc một loạt cán bộ, cả cấp cao và cấp thấp, đã và đang phải nhận kỷ luật hoặc bị đưa ra xét xử tại tòa án cho thấy mua sắm, đầu tư công là nơi dễ phát sinh tham nhũng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư công của nước ta tuy chiếm tỷ trọng lớn trong GDP nhưng hiệu quả được đánh giá là rất thấp so với nhiều nước.

Tham nhũng có thể xảy ra trong mọi khâu của một dự án mua sắm, đầu tư công. Thậm chí, trong khi cả nước gồng mình chống dịch Covid-19 ở giai đoạn trước, một số địa phương lại vướng vào nghi vấn “thổi giá” thiết bị xét nghiệm virus và các gói thầu mua các thiết bị vật tư y tế khác phục vụ phòng chống dịch. Việc này “dân không thể chấp nhận được” như một đại biểu Quốc hội đã thốt lên trên nghị trường.

Đây là điều cần được chú ý trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm bằng mọi giải pháp giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của năm nay để có được kết quả tăng trưởng dương và phục hồi nền kinh tế.

Sáu tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 33,9% kế hoạch, thấp so với yêu cầu. Sốt ruột trước tình trạng này, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ liên tục họp, đốc thúc các bộ, ngành, địa phương tăng tốc giải ngân. Thủ tướng thành lập đoàn kiểm tra tiến độ giải ngân đầu tư công, khẳng định đây là một trong những căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương và tuyên bố sẽ có chế tài mạnh với người đứng đầu nếu để xảy ra giải ngân chậm.

Rủi ro có thể đến cùng với sự hối thúc này, nhất là khi các bộ, ngành, địa phương buộc phải tiêu hết một số tiền lớn trong thời gian quá ngắn. Nhân danh “tiến độ giải ngân”, nhân danh “khẩn cấp phục hồi kinh tế”, cơ chế chỉ định thầu có thể sẽ được chọn lựa. Việc thất thoát, không minh bạch, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ chế “xin - cho” trong chỉ định thầu là vấn nạn ai cũng thấy rõ. Cho đến thời điểm này, tất cả hợp đồng mua sắm của các trung tâm kiểm soát bệnh tật bị nghi ngờ thổi giá đều là các vụ việc chỉ định thầu. Dự án nghìn tỷ đắp chiếu Ethanol Phú Thọ, thiệt hại hơn 500 tỷ đồng vì chỉ định thầu, giờ đã nằm trong danh sách 9 vụ án trọng điểm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ tập trung chỉ đạo xét xử từ nay tới cuối năm. Hay như vụ việc một số nhà đầu tư được chỉ định thầu nhưng không có đủ năng lực tổ chức thực hiện nên đã bán thầu, chẳng hạn ở dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...

Trong phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc phòng, chống tham nhũng “sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, chứ không phải cốt xử nhiều mới là tốt. Làm sao để không phải xử, không xảy ra mới là tốt!”. Chiểu theo tinh thần “không để xảy ra mới là tốt”, giải ngân đầu tư công dù cấp bách tới đây cũng phải tuyệt đối tránh chỉ định thầu. Thay vào đó, phải đấu thầu công khai, minh bạch để những quan chức nào “nhăm nhe” tham nhũng hoặc muốn vun vén, chăm lo cho nhóm lợi ích, cho doanh nghiệp sân sau của mình không còn đất "đục khoét” nữa.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân đầu tư công tăng 1% thì GDP tăng 0,06%; nếu hạ một lần chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn) thì GDP tăng 1,42%. Như vậy, điều chúng ta theo đuổi phải là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư (mà ngăn ngừa tham nhũng trong mua sắm, đầu tư công là một giải pháp) chứ không phải giải ngân bằng mọi giá. Chi tiêu công trong thời đại dịch thì càng phải tính tới việc này.

Hà Lan