Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Khuyến khích chất vấn chuyên đề

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 07:49 - Chia sẻ
Để hoạt động chất vấn đi vào chiều sâu, ngoài việc để các đại biểu tự đăng ký, Thường trực HĐND tỉnh cần khuyến khích các Ban, Tổ đại biểu chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các đoàn giám sát HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Việc này vừa giúp đại biểu HĐND có đầy đủ thông tin để chất vấn; vừa tránh lãng phí trí tuệ và tâm huyết của các thành viên đoàn giám sát, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý

Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, trước kỳ họp khoảng 30 ngày, Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre gửi văn bản đến các đại biểu HĐND tỉnh về việc tham gia đặt câu hỏi chất vấn đối với các vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương đại biểu, cử tri quan tâm; yêu cầu “câu hỏi chất vấn cần ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, có thể kèm theo số liệu, hình ảnh minh họa”. Trên cơ sở các phiếu chất vấn, Thường trực HĐND quyết định nhóm vấn đề và bố trí thời gian hợp lý để việc chất vấn, trả lời chất vấn và truy vấn được liền mạch. Sau hầu hết các phiên chất vấn, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chất vấn, tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu HĐHD tỉnh và cử tri giám sát việc thực hiện các cam kết của lãnh đạo ngành chức năng.


Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre họp phiên thường kỳ tháng 10.2019 Ảnh: Minh Triết

Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018, trên cơ sở học tập phiên chất vấn của QH, bên cạnh gửi trước câu hỏi chất vấn với nội dung cụ thể đến người bị chất vấn để chuẩn bị trước, Thường trực HĐND tỉnh quyết định cho phép đại biểu HĐND tỉnh không gửi trước câu hỏi, chỉ đăng ký người bị chất vấn và lĩnh vực chất vấn với Thường trực HĐND, nội dung câu hỏi sẽ được đại biểu trình bày tại hội trường. Mục đích nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, yêu cầu người đứng đầu phải nắm bắt toàn diện các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý để sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi do đại biểu HĐND tỉnh đặt ra; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp.

Công khai để thúc đẩy người bị chất vấn thực hiện cam kết

 Thực tế, có một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn thực hiện chính sách, pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân địa phương (ví dụ vấn đề thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội tỉnh). Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, người đứng đầu các cơ quan này không thuộc đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Do đó, kiến nghị UBTVQH xem xét, đề xuất QH bổ sung đối tượng HĐND được chất vấn bao gồm thủ trưởng các cơ quan trực thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn, có thực hiện quy định của Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân địa phương, bảo đảm quyền giám sát toàn diện của HĐND tại địa phương.

Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng tâm lý nể nang, ngại va chạm là hạn chế chung dẫn đến việc nhiều đại biểu không thực hiện quyền chất vấn, ít tham gia truy vấn. Một số trường hợp, đại biểu lựa chọn và đặt câu hỏi chất vấn chưa sát, chưa phản ánh bản chất vấn đề hoặc chỉ dừng ở mức hỏi để làm rõ thông tin, chưa đặt vấn đề trách nhiệm của người bị chất vấn. Một số câu trả lời khá dài, chưa đi vào trọng tâm vấn đề cần giải quyết; chưa xác định trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, không giữ được bình tĩnh khi đại biểu truy vấn.

Kinh nghiệm cho thấy, để hoạt động chất vấn đi vào chiều sâu, ngoài việc để các đại biểu tự đăng ký, Thường trực HĐND tỉnh cần khuyến khích các Ban, Tổ đại biểu chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các đoàn giám sát HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Việc kết hợp giữa hoạt động giám sát và chất vấn vừa giúp đại biểu HĐND có đầy đủ thông tin để chất vấn; vừa tránh lãng phí trí tuệ và tâm huyết của các thành viên đoàn giám sát, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. Việc tập thể Ban hoặc Tổ đại biểu HĐND cùng chuẩn bị nội dung chất vấn sẽ phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, giúp đại biểu tự tin hơn so với cá nhân đại biểu thực hiện quyền chất vấn đơn lẻ.

Bên cạnh đó, việc ban hành nghị quyết về chất vấn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời chất vấn phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri. Nội dung này đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của chủ tọa đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn theo quy định. Gồm: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân và trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn. Sau khi được ban hành, nghị quyết về chất vấn cần được đôn đốc thực hiện và giám sát đặc biệt. Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn trình tại kỳ họp cần phải được các Ban HĐND tỉnh thẩm tra và được HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận, xem xét tại kỳ họp.

Bên cạnh truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh cần đặt hàng báo, đài địa phương xây dựng các phóng sự, phỏng vấn các cá nhân liên quan về các nội dung được chất vấn, cần thiết sẽ mở rộng truyền hình trực tiếp các phản hồi, đánh giá, nhận xét của cử tri và Nhân dân về phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Việc công khai thông tin thông qua các kênh truyền thông chính thống và dư luận sẽ tạo áp lực thúc đẩy người bị chất vấn thực hiện các cam kết trước đại biểu và cử tri. Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có) phải được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của HĐND và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cử tri, Nhân dân và báo đài được biết và giám sát.

HỒNG YÊN