Xử lý rác thải nhựa

Khuyến khích tái chế, tái sử dụng

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:29 - Chia sẻ
Hàng năm có khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương và hiện có khoảng 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên toàn thế giới. Để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi nilon đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương cần thời gian hàng trăm năm. Từ thực tế này, để giải quyết bài toán rác thải nhựa cần hướng tới khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa…

Sản xuất nhanh, vòng đời ngắn

Rác thải nhựa gồm từ rất nhiều nguồn, nhiều loại, nhưng trong đời sống sinh hoạt của xã hội công nghiệp, hiện đại thì túi nilon, vỏ chai… đang là những vật dụng quá quen thuộc sinh ra số lượng lớn nhất. Con người đang tạo ra rác thải nhựa, nhưng không nhiều người biết rằng đó là thứ đang hủy hoại môi trường sống của chính mình và hàng triệu sinh vật trên trái đất.

Rác thải nhựa trôi dạt gây ô nhiễm môi trường biển.
Nguồn: ITN

Theo dự kiến đến năm 2021, Việt Nam sẽ cấm bán túi nhựa tại các siêu thị và tiến tới không sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào 2025.

Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển, mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Đơn cử như các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội đang quá tải; còn hai bãi rác chôn lấp ở TP Hạ Long thì đóng cửa vì ô nhiễm. Đối với Đà Nẵng, đô thị hơn một triệu dân mỗi ngày hứng từ 900 đến 1.000 tấn rác sinh hoạt, dự kiến đến năm 2025, lượng rác sẽ tăng lên khoảng 1.800 tấn. Còn riêng với Hà Nội, mỗi ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10% (tương đương 60 tấn).

Trong khi đó, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường, mỗi kilogram túi nilon khó phân hủy sẽ chịu 30.000 -50.000 đồng tiền thuế, người sử dụng phải chịu thuế này, nhưng không nhiều người dân hiểu điều này nên việc đánh thuế ít tác dụng. Bên cạnh đó, quy định việc tự kê khai thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất túi nilon khiến thuế bảo vệ môi trường bị thất thu không nhỏ. Đó chưa kể đến việc túi nilon hiện nay chủ yếu do các làng nghề, hộ gia đình sản xuất và đưa đi tiêu thụ… khiến cán bộ thuế do nhân lực đã mỏng, lại không có chuyên môn về ngành nhựa, khó kiểm tra giám sát, áp đúng đối tượng và mức thu thuế. Thực tế chi phí giá thành túi nilon bán ra thị trường thấp, cũng là lý do quan trọng dẫn đến việc các tiểu thương, người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường.

Sản xuất nhanh, hạn tiêu thụ ngắn, thế nhưng để phân hủy rác thải nhựa lại cần quá nhiều thời gian. Chính vì thế nhiều quốc gia đã bắt đầu có những hành động thiết thực. Tại châu Âu và Anh đã cấm sử dụng bông ngoáy tai, ống hút làm bằng nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần như dao kéo và túi nilon; Ấn Độ cam kết đến năm 2020 sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Cùng với đó là nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia đã tiến hành kêu gọi người dân nâng cao ý thức, đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích những dự án tái chế rác thải nhựa.

Hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều quy định mới liên quan đến quản lý chất thải nhựa như phát triển công nghiệp môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế sản phẩm nhựa một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải... Cụ thể, Dự thảo Luật quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan đến phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, bao gồm chất thải nhựa.

Trong đó, Dự thảo Luật làm rõ trách nhiệm và lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng từ việc phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng các loại chất thải; quy định các công cụ kinh tế như: Đặt cọc và hoàn trả bao bì sản phẩm; quy định về nguyên tắc thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường phải bảo đảm được mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng thân thiện với môi trường; quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường, nguồn lực từ tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đây là những tiền đề để thúc đẩy việc kéo dài vòng đời của các sản phẩm nhựa thông qua tái sử dụng, tái chế.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo xây dựng các đề án “Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương”; “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” nhằm rà soát, đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy… Những quy định này là tiền đề cho các nghiên cứu của giới khoa học về hạn chế tác hại, kéo dài vòng đời của sản phẩm nhựa.

Được biết, gần đây đã có những nhiên cứu về vấn đề này như: "Khả năng phân hủy sinh học plastic bởi các tác nhân sinh học khác nhau, cung cấp cơ sở khoa học để thiết kế, xây dựng công nghệ xử lý phù hợp  đối với ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam” của PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; “Đánh giá khả năng phân hủy sinh học của vật liệu polymer và polymer tổ hợp có khả năng phân hủy sinh học bằng các phương pháp hóa học và hóa lý hiện đại” của GS.TS. Thái Hoàng, TS. Nguyễn Thúy Chinh, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam...

Đức Huy