Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Kiểm soát chặt phương tiện

- Thứ Năm, 10/09/2020, 06:09 - Chia sẻ
Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành đường thủy, đăng kiểm để phối hợp, rà soát, thống kê. Bởi, chỉ khi nắm chắc được số lượng, chủng loại phương tiện, trình độ người lái thì việc quản lý mới hiệu quả.

Còn buông lỏng quản lý

Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 41 người, bị thương 5 người. Đáng chú ý, tai nạn do phương tiện loại nhỏ, sức chở dưới 10 người chiếm hơn 43% số vụ và hơn 78% người chết. Phân tích nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho rằng, phần lớn những vụ tai nạn giao thông đường thủy trong 8 tháng qua là phương tiện gia dụng được người dân sử dụng hàng ngày, hoạt động chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa và không đăng ký, không khai báo, do đó không ai giám sát kiểm tra. Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Đỗ Trần Liêm cho biết, hầu hết những phương tiện này đều có sức chở nhỏ, không đóng theo quy chuẩn nên dễ bị chìm, bị lật khi xảy ra va chạm hoặc trong điều kiện mưa gió.

Công tác quản lý phương tiện thủy nội địa loại nhỏ còn bị buông lỏng.
Nguồn: ITN

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25.12.2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt bảo đảm đủ sức răn đe.

Cùng với đó, dù Luật Giao thông đường thủy nội địa đã quy định, phương tiện thủy nội địa loại nhỏ, nhất là phương tiện có tổng tải trọng dưới 1 tấn, sức chở dưới 5 người do chính quyền địa phương quản lý. Song, thực tế tại các địa phương cho thấy, công tác quản lý phương tiện cỡ nhỏ hầu như bị buông lỏng. Trong khi đó, quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông đường thủy còn chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về trang thiết bị an toàn đối với phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông đường thủy; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ. Tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, được người dân sử dụng để đi lại, sản xuất phục vụ đời sống còn khá phổ biến; người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn.

Ngoài nguyên nhân chủ quan do phương tiện và người điều khiển phương tiện, theo Trưởng phòng Hướng dẫn, tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Nguyễn Vĩnh Giang, hiện nay, tuy xử phạt đến 95% tổng số vi phạm cả nước, nhưng lực lượng cảnh sát đường thủy mới tập trung ở các tuyến sông quốc gia, tuyến trọng điểm, còn những tuyến sông địa phương và những tuyến chưa được công bố khai thác cơ bản còn bỏ trống. Việc lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy chưa khép kín nơi các phương tiện dân sinh hoạt động cũng ảnh hưởng lớn đến tình trạng tai nạn giao thông đường thủy thời gian qua.

Rà soát, thống kê, quản lý

Gần 50% số vụ tai nạn giao thông đường thủy từ đầu năm đến nay liên quan đến các phương tiện thủy gia dụng, phương tiện công suất nhỏ và nhiều vụ việc nghiêm trọng khác đang gióng lên cảnh báo đối với việc quản lý các phương tiện này. Với những đặc thù khác biệt về cư trú và phạm vi hoạt động, theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để quản lý tốt, các phường, xã phải rà soát toàn bộ số lượng phương tiện thủy, kể cả sức chở nhỏ đều phải đăng ký và đánh số; lập sổ theo dõi từng phương tiện của từng chủ hộ và thường xuyên phải báo cáo về huyện hoặc thị xã.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu cũng cho hay, bên cạnh vai trò của chính quyền địa phương, ngành đường thủy, đăng kiểm phải vào cuộc để phối hợp, rà soát, thống kê, để nắm được phương tiện nào phải đăng ký, phương tiện nào phải đăng kiểm. Bởi, chỉ khi nắm chắc được số lượng, chủng loại phương tiện, trình độ người lái việc quản lý mới hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện. Xử lý nghiêm các vi phạm đối với hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện, không hướng dẫn, sắp xếp hành khách ngồi trên phương tiện và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi…

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và thông tin cơ sở những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy, nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy đặc biệt quan trọng. Theo đó, từng người điều khiển phương tiện phải có đủ thông tin để chắc chắn quy định được ban hành nhằm bảo đảm an toàn cho họ và phương tiện, chứ không phải để làm khó.

Hiểu Lam